Không chỉ riêng Việt Nam mà hàng tỉ người dùng trên khắp thế giới cũng đã bị rò rỉ thông tin cá nhân khi dùng các ứng dụng trên mạng xã hội và bị tin tặc tấn công. Các vụ tấn công hệ thống thông tin, cài mã độc, rao bán thông tin người dùng… ngày càng diễn biến phức tạp.
Nhiều vụ lộ lọt, đánh cắp dữ liệu cá nhân
Nhiều người sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet thi thoảng lại nhận được tin nhắn quảng cáo mua bán bất động sản; mời sử dụng dịch vụ chăm sóc sắc đẹp miễn phí, thẩm mỹ viện, quảng cáo về khóa học tiếng Anh khi có con đang trong độ tuổi đi học;... mà họ không hề cung cấp số điện thoại hay thông tin cá nhân cho những người thực hiện cuộc gọi điện thoại đó.
Chị Phan Tính, một người dân ở khu đô thị Ecopark, Văn Giang, Hưng Yên cho biết: “Tôi từng mua chung cư, sau khi đăng ký thông tin cá nhân để mua thì vài ngày sau đó tôi nhận được khá nhiều người gọi đến hỏi có cho thuê nhà không, có bán nhà không. Nhiều lúc cảm rất khó chịu. Tôi nghĩ rằng số điện thoại của mình đã bị lọt ra ngoài”.
Không ít người cũng than phiền việc sau mỗi lần gửi tiến tiết kiệm ở Ngân hàng thì mỗi ngày lại có một vài số điện thoại lạ gọi đến chào mời đầu tư bất động sản, tham gia rút thăm trúng thưởng các chuyến đi du lịch. Chị Hương Lan, một người dân Khu Đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, chị có một khoản tiền nhỏ gửi tiết kiệm tại một ngân hàng. Thế nhưng, không biết làm sao, sau hôm gửi, chị liên tục nhận được các cuộc điện thoại mời đầu tư bất động sản, chứng khoán, làm đẹp. Mùa hè đến thì liên tục các công ty du lịch mời tham dự các buổi giới thiệu khu nghỉ dưỡng, tặng voucher.
Tại một số trang web, người ta còn công khai rao bán thông tin cá nhân. Liên lạc với trang datakhachhang24h.com, chúng tôi được một nhân viên tư vấn, với lời mời chào rất hấp dẫn: “Bên mình đi vào hoạt động từ năm 2015, hiện nay web bên mình là thông tin top 4 của Google. Mình cung cấp những tệp thông tin khách hàng có tiềm năng về tài chính, phù hợp với danh sách các nhà đầu tư… Các thông tin bao gồm tên, họ, số điện thoại khách hàng, ngày tháng năm sinh, có thể hỗ trợ thêm một vài thông tin liên quan tới tài chính khách hàng như là số dư tài khoản. Trường hợp bạn nhắm đến khách hàng có số dư cao như là mười mấy tỷ trở lên thì bên mình sẽ hỗ trợ cung cấp. Những thông tin bên mình đều được cập nhật thường xuyên
Khi được hỏi về độ tin cậy của tệp thông tin khách hàng thì “nhà cung cấp data khách hàng” khẳng định: “Nếu không yên tâm bạn có thể gặp những thông tin khách hàng tại khu vực bạn đang sinh sống để tham khảo những thông tin là thật. Bên mình sử dụng hệ thống có phần mềm sử dụng AI, những thông tin cuộc gọi của các khách hàng như vậy được bên mình ghi âm lại và phân tích ra các thông tin dữ liệu và update. Chi phí dao động update mới hoàn toàn ngày 15/01/2021. Từ 1 đến 2 tỷ là 600 đồng/1 thông tin …khách hàng từ 5 đến 10 tỷ từ 1.800 đồng đến 2000 đồng/ thông tin.
Nhiều người chưa ý thức được việc bảo vệ thông tin cá nhân
Qua đây cho thấy, việc lộ, lọt, đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật. Thông tin trên báo Công an nhân dân cho biết, công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng; Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán như Visa, thẻ tín dụng của khách hàng; hay tin tặc đã tấn công vào hệ thống máy chủ của Việt Nam Airline, đăng tải lên Internet 411.000 tài khoản khách hàng thành viên của chương trình Bông Sen Vàng để các Cty môi giới dịch vụ taxi của Việt Nam sử dụng mời chào khách hàng qua tin nhắn SMS.
Chia sẻ với phóng viên VOV, Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An cho rằng, việc lộ dữ liệu cá nhân là vấn đề lâu nay nhiều người chưa ý thức và chưa lường trước được hậu qủa nghiêm trọng của nó. Việc mua bán thông tin cá nhân trên không gian mạng hiện nay cũng đang diễn ra rất phổ biến, công khai, trắng trợn. Thực tế là xuất hiện rất nhiều trang Web, chợ rao bán dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội. Không khó để tìm kiếm các tệp thông tin khách hàng, được phân loại đa dạng từ cơ bản đến các khách VIP, thuộc rất nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ y tế, giáo dục rồi bảo hiểm, du lịch.
Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi cũng cho rằng, nhiều người chưa ý thức được việc này và khi biết thông tin của mình bị lộ thì họ cũng thấy điều đó là bình thường, nên ít khi tiến hành khiếu nại, tố giác, do đó cơ quan chức năng cũng không có căn cứ xử lý. Nguyên nhân thứ hai là mỗi cá nhân xác định được vì sao thông tin cá nhân của mình bị lộ là rất khó khăn. Bởi, đặc điểm của không gian mạng là xuyên biên giới, tính nặc danh rất cao, đi đến đâu có thể xóa dấu vết đến đó. “Chúng ta hiện đang thiếu những quy định cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể dễ dàng phát hiện tố giác hành vi thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân. Rất cần ban hành và thực thi Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân như Dự thảo Bộ Công an đang xây dựng và lấy ý kiến”- thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam cho biết, dữ liệu cá nhân được mua bán tràn lan trên mạng và mọi người đều có thể mua bán rất dễ dàng. Nguyên nhân đầu tiên do nguồn thông tin hiện nay chưa được đảm bảo an toàn, dẫn đến các tổ chức, cá nhân có thể tổng hợp được rất nhiều nguồn thông tin khác nhau một cách dễ dàng, qua đó người ta có thể sở hữu được một nguồn thông tin lớn.
Sau đó, với lượng thông tin lớn này, người ta bán đi, bán lại với giá rất rẻ mà không bị ảnh ảnh hưởng gì và không ai xử lý. Mặc dù, quy định của luật pháp về bảo đảm thông tin cá nhân trước đây cũng có, nhưng cũng chưa có vụ việc nào điển hình được xử lý, nên dẫn đến tình trạng thông tin có nhiều, người mua có, cách thức giao dịch đơn giản, dễ dàng,...nên việc mua bán hiện nay còn nhức nhối.
Với tư cách người dùng mạng, ông Tùng cho rằng, chúng ta phải có hiểu biết nhất là về an toàn thông tin. Tức là trước khi quyết định tham dự vào internet, hay đưa thông tin của chúng ta đi bất cứ đâu thì ta nên tìm hiểu kỹ xem thông tin của chúng ta có mức độ quan trọng thế nào.
“Có rất nhiều người chủ quan, nhận được một cuộc điện thoại nào đó cung cấp mã OTP để ngân hàng kiểm tra là họ cũng hồn nhiên cung cấp. Và đương nhiên khi cung cấp là chúng ta đã mất tiền. Tham gia vào thế giới phẳng và kết nối mạng nếu không hiểu biết chúng ta thành nạn nhân”-ông Tùng cho hay./.