Ngay sau khi vụ việc bé Kim Ngân (gần 4 tuổi, trú tại khu phố Nội Hóa 2, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị mẹ ruột là Nguyễn Thị Thuỳ Trang (26 tuổi, quê Vĩnh Long) và Đỗ Văn Minh (27 tuổi, người cùng chung sống với Trang) hành hạ, đánh đập dã man được phản ánh, không chỉ người dân mà giới luật sư cũng bức xúc trước hành vi tàn nhẫn của các đối tượng này.

Theo dõi sự việc trên các phương tiện thông tin đại chúng, luật sư Trần Đình Triển (Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư TP Hà Nội, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân) chia sẻ, hành vi của Trang và Minh là không thể chấp nhận được. “Hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng Trang đã cùng với người đàn ông chung sống với mình hành hạ dã man đứa con rứt ruột đẻ ra, khiến bé phải nhập viện trong tình trạng sưng nề nhiều chỗ trên mặt và bị xuất huyết lưới nhện, thuộc một dạng chấn thương sọ não.

Xét về mặt đạo đức, 2 đối tượng Minh - Trang đã thể hiện thái độ và cách hành xử vô nhân tính, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến truyền thống, tình cảm tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

be_ngan_tr_xlhm_keln.jpg
Bé Ngân đang được chăm sóc tại bệnh viện (Ảnh: CTV Nguyễn An)

Theo luật sư Trần Đình Triển, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có biện pháp giải quyết ngay. Bằng mọi cách, phía bệnh viện nơi bé Ngân đang được điều trị, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ở địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng cứu cháu qua cơn nguy kịch. Vì với thương tích xuất huyết trong sọ não như vậy, nếu bé Ngân không được cứu chữa kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, hạnh phúc và tương lai sau này.

Luật sư Trần Đình Triển

Luật sư Triển nhận định: “Với những thương tích trên người cháu bé như vậy, đặc biệt cháu bé bị xuất huyết lưới nhện, thuộc một dạng chấn thương sọ não, có thể tỷ lệ thương tật trên 10%, đủ căn cứ để khởi tố các đối tượng về tội “Cố ý gây thương tích”. Việc cố ý gây thương tích với trẻ em, với người phụ thuộc cần chăm sóc thì đây là tình tiết tăng nặng, do đó ngoài việc chăm sóc cháu bé, cần phải có giám định của cơ quan chức năng để xem tỷ lệ thương tật của cháu bé như thế nào. Căn cứ vào tình tiết, hành vi, hậu quả đó, cơ quan pháp luật xem xét có đủ cấu thành nên tội danh “Cố ý gây thương tích” để xử lý nghiêm, không những có ý nghĩa phòng ngừa chung mà có ý nghĩa giáo dục đối với xã hội”.

Ngoài ra, chi tiết cần được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thật kỹ là dù biết bé Ngân bầm tím mặt mày nhưng Trang và Minh vẫn không đưa bé đến bệnh viện điều trị. Khi những người ở cùng xóm trọ phát hiện cháu Ngân nằm dưới sàn nhà nên xông vào đưa cháu đến bệnh viện, Minh còn ngăn cản nhưng bị một số thanh niên khống chế để mọi người đưa cháu Ngân đến bệnh viện.

Luật sư Triển cho rằng, hành vi ngăn cản người khác cứu chữa cháu bé là tình tiết tăng nặng, theo đó, cơ quan pháp luật cần xem xét theo tội danh liên quan.

Xem xét hạn chế quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé của đối tượng

Theo quan điểm của luật sư Trần Đình Triển, căn cứ vào tỷ lệ thương tật, hậu quả gây ra đối với cháu bé, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét những tình tiết này để hạn chế quyền chăm sóc và nuôi dưỡng cháu bé.

Luật sư Triển cho rằng, không chỉ có mẹ, hiện nay cháu bé còn có bố, ông bà nội ngoại nên cần xem xét trong trường hợp này những người ruột thịt thân thích có ai đủ điều kiện chăm sóc bé. Nếu gia đình không có điều kiện chăm sóc, đòi hỏi phải có vai trò của xã hội.

Minh, Trang tại nhà tạm giữ của công an (Ảnh: Thanh niên)
Hiện nay, Công an thị xã Dĩ An-Bình Dương đang tạm giữ hình sự đối với Trang và Minh về hành “Ngược đãi, hành hạ trẻ em”, tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Việt Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kinh Đô phân tích: Ngược đãi chỉ áp dụng với trường hợp có mối liên hệ, quan hệ với nhau như cha mẹ-con cái. Trong khi Minh và Trang chung sống như vợ chồng và không có hôn thú, nên người “cha hờ” này phải xem xét ở 1 hành vi khác.

“Theo đó, nên tách ra 2 trường hợp: với người mẹ, cần xác định rõ hành vi ngược đãi, trách nhiệm của người mẹ trong quá trình gây ra thương tích đối với con của mình. Đối với người đàn ông sống cùng, cần căn cứ vào tỷ lệ thương tật, tính nghiêm trọng của hành vi, số lần đối tượng này hành hung cháu bé có đủ cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” hay không, thì cơ quan pháp luật cần xem xét làm rõ”, luật sư Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Luật sư Hùng lý giải thêm, với tội danh “Cố ý gây thương tích", quyết định hình phạt như thế nào còn phụ thuộc vào điều tra, tỷ lệ thương tật, tính nghiêm trọng của hành vi gây ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này cơ quan pháp luật cần xem xét vì vụ việc có tính nghiêm trọng bởi nạn nhân là cháu bé còn quá nhỏ tuổi./.