Theo đó, Dương Chí Dũng cùng 9 bị can khác tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị truy tố hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165, Bộ Luật Hình sự và hành vi “Tham ô tài sản” theo Điều 278, Bộ Luật Hình sự.

Tài liệu cơ quan điều tra cho biết, đầu năm 2006, Vinalines có chủ trương mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sửa chữa tàu biển.

Tổng Giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc được giao triển khai đầu tư xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.

Ông Phúc thành lập Ban dự án nhà máy, bổ nhiệm Trần Hữu Chiểu làm trưởng ban, Trần Hải Sơn làm phó, Bùi Thị Bích Loan và Mai Văn Khang cùng một số lãnh đạo các phòng, ban liên quan làm thành viên.

duongchidung.jpg
Dương Chí Dũng đã bày ra những chiêu trò tham ô hơn 1,6 triệu USD trong phi vụ mua ụ nổi 83M tại Vinalines

Ngày 27/6/2007, ông Dương Chí Dũng (lúc này giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị) đã ký quyết định phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà máy với tổng đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó cho phép mua, lắp đặt một ụ nổi để phục vụ sửa chữa tàu.

Vinalines xác định ụ nổi là tàu biển nên đã áp dụng hình thức chào giá cạnh tranh theo quy định tại Nghị định 49/2006/NĐ-CP.

Ngày 27/7/2007, ông Phúc cử đoàn khảo sát do Trần Hữu Chiểu làm trưởng đoàn cùng Lê Văn Dương, cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam đi kiểm tra, khảo sát tình trạng ụ nổi 83M tại Nga.

Sau khi khảo sát, ông Dương lập, ký biên bản kiểm tra giám định tình trạng kỹ thuật ụ nổi.

Dựa theo biên bản kiểm tra, ông Chiểu ký báo cáo kết quả khảo sát theo hướng đề nghị Tổng giám đốc (TGĐ) và Hội đồng quản trị (HĐQT) mua ụ nổi trên.

Đây là một trong những căn cứu quan trọng để TGĐ và HĐQT xem xét, quyết định mua ụ nổi 83M.

Sau đó, ông Dương Chí Dũng đã phê duyệt đầu tư dự án mua ụ nổi trên với phương thức sửa chữa tại Nga và lai dắt về Việt Nam. Ngày 15/3/2008, ông Phúc, đại diện Vinalines ký hợp đồng mua bán ụ nổi 83M với giá 9 triệu USD với Công ty AP.

Sau khi đã mua và nhập khẩu đưa ụ nổi về Việt Nam và ở thời điểm Chính phủ chưa phê duyệt bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy.

Đầu tháng 10/2008, ông Dương Chí Dũng phê duyệt dự án, nâng tổng mức đầu tư từ hơn 3.800 tỷ đồng lên gần 6.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến ngày 17/5/2012, Vinalines mới chỉ đầu tư mua, sửa chữa ụ nổi với tổng số tiền hơn 525 tỷ đồng, đến nay không triển khai thêm nên bị quyết định thoái vốn.

Ngày 1/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công đã khởi tố vụ án tham ô tài sản đối với 4 bị can, trong đó có ông Trần Hải Sơn - TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines về tội Tham ô tài sản liên quan đến hành vi gửi giá, lập khống khối lượng sửa chữa ụ nổi để rút hơn 3,3 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố đối với 10 bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 30/1/2013, sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan công an đã đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 4 bị can tội Tham ô tài sản và tách riêng vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 25/9, cơ quan điều tra ra quyết định bổ sung tội tham ô tài sản đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiểu.

Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, theo kết quả điều tra, 7 bị can Dũng, Phúc, Chiểu, Sơn, Mai Văn Khang, Loan, Lê Văn Dương có hành vi làm trái trong việc lập, phê duyệt đầu tư dự án nhà máy; tổ chức đấu thầu, phê duyệt, ký và thanh toán hợp đồng mua ụ nổi 83M; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng, cán bộ Chi Cục hải quan Vân Phong làm trái trong việc làm các thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi.

Trong khi Bộ GTVT chưa cập nhập bổ sung dự án nhà máy sửa chữa tàu biển vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cũng như chưa trình Thủ tướng quyết định thì Vinalines đã phê duyệt dự án nhà máy.

Trần Hữu Chiểu, Mai Văn Phúc, Dương Chí Dũng ký trình, phê duyệt đầu tư dự án nhà máy trên là trái với ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Để đưa ra những căn cứ sai phạm, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định đồng thời khẳng định những sai phạm đó trách nhiệm trực tiếp thuộc về ông Dũng, Phúc và Chiểu.

Việc đầu tư, đấu thầu, khảo sát ký hợp đồng mua ụ nổi 83M, mặc dù tháng 10/2008 Vinalines mới có quyết định nhưng từ tháng 7/2007 đã tổ chức đấu thầu, nhập khẩu.

Vinalines không có thư thông báo mời thầu, trong hồ sơ đấu thầu chỉ có 2 đơn vị gửi thư chào bán 3 ụ nổi, trong đó Công ty AP chào bán ụ nổi 220 sản xuất từ năm 1969 và ụ nổi 83M sản xuất từ năm 1965. Công ty môi giới Mega Marine chào bán ụ nổi 194M sản xuất 1988. Vinalines chỉ khảo sát hai ụ nổi của Công ty AP.

Về hành vi cố ý làm trái trong việc thanh toán hợp đồng mua ụ nổi trên, cơ quan điều tra xác định, ngày 17/3/2008, bà Loan ký ủy nhiệm chi số 17 chuyển 900.000 USD tiền đặt cọc hợp đồng vào tài khoản chung giữa Công ty AP và Vinalines.

Hơn 2 tháng sau, ông Phúc ký đề nghị ngân hàng giải tỏa chuyển số tiền này cho Công ty AP mà không được nhận các tài liệu của hợp đồng mua bán ụ nổi.

Tiếp đó, Vinalines dưới sự chỉ đạo của Phúc, Chiểu tiếp tục chuyển 8,1 triệu USD cho Công ty AP mà không nhận được các chứng từ theo quy định của hợp đồng mua bán.

Về hành vi cố ý làm trái trong việc làm làm thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M, cơ quan công an xác định, Chi cục Hải quan Vân Phong có tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu gồm hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại.

Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, ụ nổi này đã cũ, han rỉ, hư hỏng nhiều, máy phát điện không hoạt động, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng Lê Ngọc Triện, cán bộ hải quan vẫn báo cáo đề nghị Huỳnh Hữu Đức, Phó chi cục Vân Phong cho thông quan. Ông Đức biết ụ nổi không đủ điều kiện vẫn ký cho thông quan.

Theo kết quả điều tra, tổng thiệt hại do sai phạm mua ụ nổi là gần 337 tỷ đồng.

Về hành vi tham ô hơn 1,6 triệu USD, qua báo cáo của Chiểu, Sơn, Mai Văn Khang, ông Dũng và ông Phúc biết rõ ụ nổi trên được chào bán dưới 5 triệu USD nhưng vẫn chấp thuận mua với giá 9 triệu USD.

Trong vụ mua bán trên, xác minh tại Công ty AP (Singapore), cho thấy, có sự ăn chia được các bên thỏa thuận trước thời điểm Vinalines khảo sát và ký hợp đồng.

Công ty Phú Hà (công ty này do em gái ông Sơn là Trần Thị Hải Hà làm giám đốc), mặc dù không thực hiện bất kỳ công việc gì liên quan đến ụ nổi nhưng vẫn được nhận hơn 1,6 triệu USD từ Công ty AP.

Số tiền này sau đó được quy đổi ra hơn 28 tỷ đồng và ông Sơn đã nhận đủ bằng tiền mặt và chuyển khoản. Ông Sơn khai, chỉ nhận được hơn 8 tỷ đồng, còn 20 tỷ ông Dũng và Phúc chia nhau. Ông Sơn cũng khai có biếu ông Chiểu 340 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, cơ quan công an đề nghị truy tố ông Dũng, Phúc, Chiểu, Sơn về hành vi gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng (trừ hơn 28 tỷ tham ô, còn gây thất thoát của nhà nước hơn 335 tỷ đồng); Khang, Loan, Dương, Đức, Triện, Lừng gây thất thoát là hơn 82 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Dũng được xác định chủ mưu trong vụ tham ô hơn 28 tỷ đồng, trong đó bị can này cùng với Phúc hưởng lợi 10 tỷ; Sơn gần 6 tỷ, Hải Hà (em gái Sơn) 2 tỷ đồng, Chiểu 340 triệu.

Sau khi gây ra sai phạm, Dương Chí Dũng đã bỏ trốn ra nước ngoài. Ngày 4/9/2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt được Dương Chí Dũng.

Quá trình điều tra, Dương Chí Dũng khai đã cho tiền bà Phan Thị Thảo mua, đứng tên căn hộ ở tòa nhà Skycity ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội và căn hộ ở tòa nhà Pacific ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bà Thảo được xác định là người có quan hệ gần gũi với Dương Chí Dũng./.