Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII về những sai phạm và việc giám sát sử dụng vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước,

PV: Ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải chỉ 2 tháng trước khi vụ việc tại Vinalines vỡ lở, DN đang bị thanh tra, thậm chí đã nhận được dự thảo kết luận về các sai phạm.Ông có bình luận gì về việc này?

Ông Trần Du Lịch: Tôi biết rằng trong quá trình thanh tra 1 tập đoàn kinh tế, khi chưa có kết luận chính của Thủ tướng, thanh tra lập dự thảo và trao đổi với doanh nghiệp nhiều lần. Kết luận cuối cùng của thanh tra bao giờ cũng trao đổi với lãnh đạo DN và cho anh giải trình, khi anh giải trình không được và không thuận thì thanh tra mới kết luận. Thế nên anh đừng lấy ngày kết luận thanh tra với ngày bổ nhiệm để nói tôi bổ nhiệm trước khi thanh tra kết luận. Cái đó là một sự chống chế không thuyết phục.

PV: Theo ông, có cần xem xét vấn đề tín nhiệm của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong vụ việc này?

Ông Trần Du Lịch:Tôi cho rằng, Bộ trưởng phải giải trình trách nhiệm về việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải và tôi tin rằng nhiều đại biểu Quốc hội cũng sẽ chất vấn việc này.

PV: Từ chuyện Vinashin cho tới Vinalines cho thấy chế định trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành cần có sự giám sát của Quốc hội, thưa ông?

Ông Trần Du Lịch: Đó là lỗ hổng. Quốc hội là đại diện cao nhất của nhân dân mà không thể tham gia giám sát các tập đoàn, TCT.

Ở một số nước, các tập đoàn và TCT lớn của Nhà nước thì điều lệ được đưa ra bàn bạc như một đạo luật và cái gì quyết định có liên quan cũng được đưa ra quốc hội. Cơ quan nào ban hành quyết định thì phải giám sát nó.

Trước mắt, chúng ta chưa thể xây dựng thành một đạo luật nên tôi đề nghị cần có điều lệ cho một số tập đoàn, TCT lớn. Tiến tới lâu dài khi chúng ta xây dựng một số tập đoàn, TCT lớn ở tầm quốc gia, quy mô quốc tế thì phải có đạo luật và có sự giám sát của Quốc hội.

PV: Vừa qua chúng ta có tiến hành thanh tra 1 số tập đoàn lớn, phát hiện ít nhiều sai phạm, dư luận băn khoăn việc xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu nơi xảy ra sai phạm liệu đã thực sự nghiêm?

Ông Trần Du Lịch:Ví dụ như vụ việc xảy ra tại Vinashin, xử lý người trực tiếp và qua hình sự là thỏa đáng. Chúng ta nghiêm khắc chứ không nhân nhượng. Nhưng cơ chế để xử lý vi phạm quản lý nhà nước, đại diện thế nào thì vẫn chưa rõ ràng. Vì không rõ nên không có địa chỉ cụ thể và chính vì vậy nên đòi hỏi phải có 1 đạo luật để qui rõ rang trách nhiệm cho từng cá nhân.

PV:Theo quan điểm của ông thì đạo luật về giám sát việc sử dụng vốn của Nhà nước tại một số tập đoàn, Tổng công ty đã trở nên cấp bách?

Ông Trần Du Lịch: Tôi cho rằng việc này phải ưu tiên vì từ sự việc Vinashin và đến giờ là Vinalines khiến người dân rất bức xúc về cách sử dụng nguồn vốn và tài sản của nhà nước. Để giải quyết căn cơ cần sớm vận động để ra đời một đạo luật về giám sát sử dụng vốn Nhà nước tại các tập đoàn, TCT. Trong đạo luật này phải giao Quốc hội một thẩm quyền giám sát, đặc biệt là với các tập đoàn, TCT lớn của NN. Còn các biện pháp trước mắt, tôi cũng đề nghị nhiều lần và Chính phủ cũng đã nhắc lại trong một số lần Thủ tướng phát biểu đó là: Chúng ta lựa chọn trước hết là các tập đoàn và TCT lớn của NN ví dụ như TCT 91 và yêu cầu Chính phủ với tư cách là người đại diện chủ sở hữu cao nhất yêu cầu các tổ chức kinh tế này phải công khai minh bạch những hoạt động giống như những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đây là cơ chế để xã hội, người dân giám sát các hoạt động của DN. Khi công khai minh bạch mới thấy được những đầu tư sai, sử dụng vốn kém hiệu quả, tùy tiện. Vì thiếu công khai như vậy, khi thanh tra vào mới thấy được thì chuyện đã rồi. Nếu như chúng ta giám sát trước thì đã có biện pháp để ngăn chặn nhưng rất tiếc tới nay chưa làm.

PV: Theo ông, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý vốn Nhà nước cần được thực hiện như thế nào?

Từ kinh nghiệm thế giới người ta quản lý DNNN như thế nào thì chúng ta phải làm cho đúng. Từ năm 1992 đến giờ, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm quản lý Nhà nước. Đã có lúc Thủ tướng, Chính phủ đã lập các TCt 90, 91  sau đó điều lệ của các TCT đều là Nghị định CP, nhưng sau đó chúng ta bỏ thành ra quyết định. Riêng về pháp lý Nghị định thì phải  báo cáo Chính phủ, còn Quyết định là trách nhiệm của Thủ tướng.

Tôi cho rằng chủ trương của Chính phủ trước khi làm luật thì phải ban hành một số Nghị định. Nhưng quan điểm của tôi có khác bởi vì khi ta thí điểm một quyết định hay một Nghị định của Chính phủ thì chính tầm pháp lý của nó khác với một đạo luật. Chúng không phải là một văn bản cấp thấp, nhưng chưa đúng độ thì nó không hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!