“Tiền án, tiền sự nhiều hơn tiền mặt”
Đó là những gì có thể mô tả khái quát về hai bị cáo Nguyễn Văn Chiến (SN 1982, quê Bắc Giang) và Trần Thị Thoa (tên gọi khác là Thêu, SN 1962, trú đường Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Lớn lên trong hoàn cảnh thiếu vắng sự quan tâm, giáo dục từ đấng sinh thành, Thoa đã sớm “vào đời” ở tuổi 11.
Mở màn cho chuỗi thành tích bất hảo của mình, ngày 11/12/1973, thị bị Công an huyện Từ Liêm (TP Hà Nội) xử lý về hành vi trộm cắp.
Ảnh minh họa |
Chặng tiếp theo trong cuộc đời của Trần Thị Thoa là liên tiếp những lần đối mặt với luật pháp về hành vi “thó” đồ của người khác. 32 tuổi, thị tạm khép lại chuỗi ngày vào tù, ra tội với 11 tiền án.
Trần Thị Thoa đã sống trong quãng thời gian thiệt thòi nhất đối với một đứa trẻ khi không có sự uốn nắn của cha mẹ.
Thị cũng đã nếm trải điều bất hạnh nhất của người phụ nữ là ly hôn chồng và không con cái.
Hành vi trộm cắp tài sản của Thoa được lặp đi, lặp lại thường xuyên như một thói quen cố hữu.
Tưởng rằng, sau những lần nhúng chàm và bị pháp luật “sờ gáy”, Thoa sẽ chốt lại cuộc sống tội lỗi, nhưng đáng tiếc, thị vẫn tiếp tục chọn ngả rẽ vào con đường phạm pháp.
Không quá “hoành tráng” như tiểu sử của đồng phạm, Nguyễn Văn Chiến có phần “lép vế” hơn khi y “chỉ” mang 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản.
Dường như, máu trộm cắp đã ăn sâu vào tiềm thức của hai kẻ phạm tội, để rồi, ngay cả chốn cửa phật linh thiêng, chúng vẫn ngang nhiên làm việc trái đạo đức.
Ngựa quen đường cũ
Chiều 22/9/2013, Nguyễn Văn Chiến đến TP Bắc Giang rủ Trần Thị Thoa vào đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) đi lễ.
Trong quá trình vào đền làm lễ, để ý thấy có nhiều tượng phật đeo vòng vàng, Chiến nảy sinh ý định trộm cắp và bàn bạc với đồng bọn.
Khoảng 0h ngày 24/9/2013, hai đạo chích rủ nhau lên đền cuỗm tài sản. Thấy cửa vào đền đã đóng, Chiến dùng tay nâng mở một cánh rồi đi vào phía trong để Thoa đứng ngoài cảnh giới.
Phát hiện một chiếc kéo đặt trên bàn, Chiến dùng kéo phá khóa lấy 2 chiếc kiềng vàng treo trên cổ tượng ông Hoàng Mười rồi tiếp tục lấy 2 chiếc kiềng đựng trong hộp nhung màu đỏ phía sau tượng.
Sau khi đã “thó” 4 chiếc kiềng vàng, tên trộm tiếp tục lấy khoảng 1 triệu đồng tiền mặt rồi cùng Thoa trở về TP Bắc Giang.
Trong số vàng đã lấy trộm được, Chiến giữ lại 1 vòng (trọng lượng 5 chỉ) và đưa Thoa 3 chiếc còn lại (tổng trọng lượng 15 chỉ) để bán lại cho một hiệu vàng trên địa bàn TP Bắc Giang với giá 36 triệu đồng; đồng thời, đổi lấy 1 chiếc nhẫn 3 chỉ về đưa cho Chiến.
Sau khi có trong tay 8 chỉ vàng, Chiến tiếp tục bán lại với giá 24 triệu đồng. Toàn bộ số tiền bán vàng lấy trộm được tại đền Chợ Củi, hai kẻ trộm đã sử dụng hết vào mục đích cá nhân.
Tổng trị giá tài sản Nguyễn Văn Chiến và Trần Thị Thoa chiếm đoạt của Ban Quản lý đền Chợ Củi là 67 triệu đồng, trong đó, 4 kiềng vàng trị giá 66 triệu đồng và 1 triệu đồng tiền mặt. Do số tiền này đã bị các đối tượng tiêu xài hết và quá trình điều tra không thu hồi được tài sản nên anh Nguyễn Sỹ Quý (đại diện theo ủy quyền) có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổng số tiền tương đương.
Tủi phận
Sau khi thực hiện hành vi trộm cắp tại đền Chợ Củi, Nguyễn Văn Chiến còn phạm thêm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy và bị TAND huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên xử phạt 7 năm 6 tháng tù vào ngày 4/6/2014.
Không lâu sau khi đồng phạm vào trại, Trần Thị Thoa tiếp bước bằng bản án 8 tháng tù giam với tội danh cũ khi bị TAND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) xử phạt vào ngày 17/6/2014.
Vụ việc hai đạo chích lẻn vào đền Chợ Củi - chốn linh thiêng trộm cắp tài sản, khiến người dân và những tăng ni, phật tử bất an.
Ngày 24/4/2015, TAND huyện Nghi Xuân đưa vụ Nguyễn Văn Chiến và Trần Thị Thoa ra xét xử lưu động.
Hàng trăm người dân tập trung về hội trường UBND xã Xuân Hồng để theo dõi và tận mắt chứng kiến hai kẻ liều lĩnh làm điều sai trái nơi cửa phật.
Khác với suy nghĩ của số đông về một người đàn bà đã chai sạn với những vết tích tù tội, trước vành móng ngựa là bị cáo Trần Thị Thoa với khuôn mặt đầy mệt mỏi và lo âu.
Mái tóc bạc trắng, ánh mắt trĩu nặng của thị khiến không ít người cảm thông cho số phận đầy bất hạnh của một người phụ nữ.
“Tại sao bị cáo lại chọn trộm cắp làm nghề mưu sinh”, câu hỏi của vị hội thẩm như chạm vào nỗi lòng của Thoa, nước mắt bị cáo tuôn rơi như để gột rửa bao tủi hờn bấy lâu.
Chứng kiến giây phút đó, Nguyễn Văn Chiến không khỏi bối rối. Với một kẻ đã từng nếm trải vị đắng cuộc đời, dường như, Chiến đã chuẩn bị đón lấy giá đắt cho hành vi phạm pháp một cách bình tĩnh nhất.
Phiên tòa kết thúc với bản án 11 năm 6 tháng cho Nguyễn Văn Chiến (4 năm tù về tội trộm cắp, 7 năm 6 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy) và 38 tháng tù cho bị cáo Trần Thị Thoa, nhưng dư âm về hai số phận phía sau chốn công đường sẽ còn ám ảnh lòng người./.