Viện KSND tối cao ngày 16/1 cho biết cơ quan này đã ban hành cáo trạng truy tố 6 bị can trong vụ án “Nguyễn Viết Hòa và đồng bọn” phạm các tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; đưa và làm môi giới hối lộ; che giấu tội phạm; cưỡng ép người khác khai báo gian dối và vu khống”.
Các bị can gồm: Nguyễn Viết Hòa, Nguyễn Đức Chinh và Hà Huy Hoàng, nguyên cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - Công an tỉnh Thái Nguyên; Hoàng Văn Luân, cán bộ hưu trí ngụ ở TP.Hà Nội; Hồ Anh Lưu, lao động tự do ngụ ở Thái Nguyên và Phạm Văn Chiến, lao động tự do tại TP.Hà Nội.
Theo cáo trạng, do có mâu thuẫn trong việc mua bán trái phép chất ma túy nên tháng 6/2011, Trần Văn Hưng đã dùng súng bắn người khác và bị Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố vụ án tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và giết người.
Do Hưng bỏ trốn nên Công an tỉnh Thái Nguyên đã phát lệnh truy nã.
Tháng 3/2012, Hòa và Chinh bắt được Hưng khi đang ở tại nhà người tình là Đinh Thị Thanh Loan ở P.Bích Đào, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Tại đây, Hưng mang ra 2,5 tỉ đồng biếu Hòa để không bị bắt, nhưng Hòa nói việc này đã báo cáo lãnh đạo rồi nên không tha được. Biết không thoát được nên Hưng mặc cả: đưa 1 tỉ đồng để Hòa báo cáo bắt Hưng ở ngoài đường (không muốn Loan bị liên lụy), số còn lại để cho người tình, nhưng Hòa chỉ chấp nhận để lại 500 triệu đồng cho Loan.
Sau đó, Hòa và Chinh đưa Hưng về Công an tỉnh Ninh Bình. Chinh lập biên bản bắt được tội phạm ở ngoài đường. Số tiền chiếm đoạt được, Hòa chia cho Chinh 150 triệu đồng. Sau khi bị Đinh Thị Thanh Loan tố cáo, Hòa đã trả lại Loan 1,7 tỉ đồng nhưng vẫn bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt giữ.
Trong trại giam, Hòa viết thư hướng dẫn Chinh khai với cơ quan điều tra bắt được Hưng ở ngoài đường. Cơ quan tố tụng xác định Chinh không biết việc Hòa đã lấy số tiền 2 tỉ đồng nhưng có nhận 150 triệu đồng từ Hòa và khai báo sai sự thật nhằm che giấu tội phạm cùng Hòa.
“Chỉ đạo” thủ tiêu nhân chứng từ trong trại giam
Trong quá trình bị tạm giam, Hòa đã nhiều lần gửi thư ra ngoài nhờ các đối tượng, trong đó có Phạm Văn Chiến tìm mọi cách đe dọa Loan để Loan khai lại theo hướng có lợi cho Hòa, nếu Loan không nghe theo thì thủ tiêu nhân chứng và viết đơn tố cáo sai sự thật nhằm mục đích trốn tội cho Hòa. Chiến đã nhiều lần gặp bạn gái của Hòa để bàn cách chống đối cơ quan điều tra, tìm cách đặt mìn tại nhà riêng của điều tra viên thụ lý vụ án này.
Mặt khác, Hòa nhiều lần viết thư ra ngoài chỉ đạo Nguyễn Đức Chinh, Hồ Anh Lưu, Hà Huy Hoàng phải tìm mọi cách bí mật bắt cóc Đinh Thị Thanh Loan, tắt hết điện thoại rồi mang lên giữ tại Hà Nội, bắt viết đơn tố cáo là bị điều tra viên bức cung, nhục hình và cho thông cung với Trần Văn Hưng để vu khống làm oan cho Hòa; nếu Loan không chấp nhận sẽ tung tin do điều tra viên đe dọa nên Loan đã trốn đi Trung Quốc.
Do Loan lo sợ, đã cùng con trai bỏ trốn khỏi địa phương nên các bị can đã lợi dụng thời cơ, thực hiện đúng theo kế hoạch: giả danh Loan tố cáo bị cơ quan điều tra bức cung, nhục hình. Quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng đã tìm được nhiều bằng chứng, nhân chứng về vụ việc nói trên.
Ngoài ra, cơ quan chức năng làm rõ, trong thời gian bỏ trốn, Hưng thông qua các mối quan hệ xã hội để nhờ Hoàng Văn Luân giúp chạy án. Luân đồng ý và đòi Hưng 700 triệu đồng nhưng sau khi lấy tiền thì chiếm dụng tiền để sử dụng mục đích riêng.
Theo Viện KSND tối cao, liên quan đến vụ án này có nhiều tình tiết đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng nên cơ quan CSĐT tách ra thành một số vụ án độc lập, trong đó có những vụ đang tiếp tục làm rõ./.