Sáng ngày 3/9, Báo Giao thông phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức Hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” theo hình thức trực tuyến công nghệ thực tế ảo 3D (Virtual Event).
Tại hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đã cùng trao đổi về xu thế phát triển các loại xe thân thiện với môi trường, xe điện; Rà soát các quy định, chính sách hiện có; Bàn thảo kế hoạch, định hướng quản lý, xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và ban hành các quy định pháp luật đồng bộ, phù hợp, góp phần phát triển loại phương tiện này.
Chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông”".
Tuy nhiên, đến nay, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid, và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết Quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Theo đại diện Bộ Công thương, hiện tại, ngoài sự hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường…
Vì vậy cần có một số giải pháp như: Áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường; Xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu; Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện;…
Trình bày tham luận tại hội thảo, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay các chủ trương và định hướng về thúc đẩy sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường đã được xác định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Để hiện thực hoá được mục tiêu nêu trên đòi hỏi Việt Nam phải có các chính sách phù hợp, trong đó có vai trò không thể thiếu của các công cụ kinh tế, trong đó có công cụ chính sách thuế để thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng các loại hàng hoá thân thiện với môi trường, trong đó có ngành công nghiệp ô tô.
Cụ thể như các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường; Chính sách thuế nhập khẩu và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác.
Đây cũng là kiến nghị của VinFast với Chính phủ tại hội thảo. Cụ thể, VinFast mong muốn, Bộ Tài chính, Bộ GTVT sớm kiến nghị Chính phủ có quy định về phương tiện đầu tư công mới (xe con, xe buýt) phải nên ưu tiên là xe điện. Hiện ở nhiều quốc gia đã có quy định bắt buộc. Trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư xe vận tải công cộng (taxi, xe khách, xe du lịch) là xe điện, ví dụ miễn thuế, phí, ưu đãi lãi suất, không hạn chế xe điện đi vào phố cấm…
Có chính sách ưu đãi miễn giảm các loại thuế, ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trạm sạc.
Tuy nhiên, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) trình bày trong tham luận tại hội thảo chỉ rõ, so với nhiều quốc gia khác, từ thực tiễn phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, để có thể phát triển được ngành công nghiệp ô tô một cách hiệu quả, bền vững đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ với tầm nhìn trung và dài hạn.
Các giải pháp đưa ra cũng cần được cân nhắc, tính toán kỹ trên nhiều mặt, nhất là trong bối cảnh công nghệ liên tục phát triển, quá trình quốc tế hóa và phân công lao động quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Những quốc gia đi sau như Việt Nam bên cạnh các yếu tố thuận lợi cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Cần bổ sung quy định, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện tại Việt Nam
Cùng với các chính sách, hạ tầng, các quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa đồng bộ cũng là những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển xe điện tại Việt Nam.
Theo đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN): “Mặc dù đã có những cố gắng nhưng số lượng TCVN và QCVN đối với xe điện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới về xe điện.
Điều này đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, cập nhật bổ sung thêm trên cơ sở hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn trên thế giới để tăng sự thích nghi và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới…”.
Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải trình bày trong tham luận rằng, hệ thống tiêu chuẩn về xe điện trên thế giới rất đa dạng và tiếp tục được xây dựng. Mỗi quốc gia tùy theo điều kiện của mình mà lựa chọn và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phù hợp.
Xe điện được phân loại vào nhóm xe cơ giới, do đó chịu sự quản lý của các quy định pháp luật về giao thông hiện hành. Tuy nhiên, xe điện thường đi kèm với các công nghệ tự lái. Do có đặc điểm vận hành đặc biệt nên cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng hệ thống quy định pháp luật phù hợp để quản lý, vận hành đảm bảo an toàn.
Bộ GTVT đã có chủ trương xây dựng các quy định liên quan đến xe điện như: An toàn điện, động cơ, pin, hệ thống điều khiển, an toàn thông tin, chuẩn sạc… Các tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng trên cơ sở hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế.
Rà soát, cập nhật các quy định quản lý, khai thác phương tiện giao thông điện trong quá trình xây dựng Luật giao thông đường bộ sửa đổi tới đây, Luật chất lượng hàng hóa, Luật Bảo vệ môi trường mới được quốc hội thông qua năm 2020, Luật đầu tư...).
Vì vậy, để phát triển xe điện, Nhà nước cần ban hành lộ trình phát triển xe điện ở Việt Nam, trong các khoảng thời gian với các yêu cầu và mục tiêu cụ thể. Động lực cho sự phát triển ô tô điện trên thế giới chính là các quy định về bảo vệ môi trường cùng các chính sách về thuế và chế tài xử phạt.
Nhà nước ban hành quy hoạch chi tiết cho hạ tầng xe điện, bao gồm các địa điểm bố trí trạm, trang thiết bị nạp của trạm, công suất các trạm và sự cân bằng giữa công suất trạm nạp với mạng lưới điện cục bộ cũng như lưới điện quốc gia.
Các nhóm chính sách để khuyến khích nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện, nhằm tạo tiền đề cho thị trường sản xuất kinh doanh xe điện vận hành.
Xây dựng các chế tài nhằm cụ thể hóa các quy định về xử lý các sản phẩm thải bỏ liên quan đến xe điện như ắc quy, các ô tô, xe máy quá niên hạn sử dụng.
Theo bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc phát triển trạm sạc pin VinFast, cần đưa quy hoạch trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị và quy hoạch mạng lưới hạ tầng điện đi kèm theo một cách đồng bộ. Xe điện là xu thế tất yếu. Để bắt kịp xu thế thì quy hoạch đó cần phải đồng bộ thì mới có sự phát triển bền vững, lâu dài. Có thể chúng ta làm quy hoạch trước, sau đó các nhà đầu tư thuộc các loại hình khác nhau hay ngay cả Nhà nước cũng có thể đầu tư. Tuy nhiên cần thiết phải có quy hoạch dài hạn, đồng bộ thì mới tối ưu được hạ tầng trạm sạc./.