Ngày 5/3, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc giải quyết tố cáo một số nội dung về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và công tác cán bộ tại Đại học Ngoại thương.

69216849_1200x675_1_ncda.jpg
Trường Đại học Ngoại thương.

Kết quả xác minh của đoàn thanh tra, giai đoạn 2005 – 2013 cho thấy Trường ĐH Ngoại thương không có quy định về quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm viên chức quản lý các đơn vị trực thuộc trường.

Năm 2013, Hiệu trưởng ký quyết định ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm viên chức quản lý các đơn vị trực thuộc trường vi phạm quy định về độ tuổi theo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm ban hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Điều lệ trường đại học.

Về công tác quy hoạch cán bộ quản lý, kết luận của thanh tra cho thấy, từ năm 2005 – 2015, trường ĐH Ngoại thương không có quy hoạch đối với chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng là chưa thực hiện đúng quy định của Đảng về quy hoạch cán bộ. Trách nhiệm này thuộc về Bí thư, Hiệu trưởng, Đảng ủy Trường ĐH Ngoại thương giai đoạn 2005-2015 và Ban cán sự Đảng (Bộ GD-ĐT) giai đoạn 2005-2015.

Đáng lưy ý, Hiệu trưởng, Đảng ủy Đại học Ngoại thương đã thực hiện quy trình, đề xuất và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định bổ nhiệm lại chức danh Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2015-2020 đối với bà Đào Thị Thu Giang, trong khi bà Giang không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhiệm kỳ 2010- 2015.

Bà Lê Thị Thu Thủy cũng không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhiệm kỳ 2010-2015, nhưng Hiệu trưởng, Đảng ủy Đại học Ngoại thương vẫn thực hiện quy trình, đề xuất và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2015-2020.

Vi phạm trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, giai đoạn từ 2006 - 2015, Đại học Ngoại thương đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 190 lượt người (153 lượt người bổ nhiệm mới và 37 lượt người được bổ nhiệm lại) đối với chức danh quản lý của trường.

Trong đó, 148/153 cán bộ được bổ nhiệm không có quy hoạch; 90/153 trường hợp không có tờ trình của đơn vị; 67/153 trường hợp không có tờ trình của Phòng Tổ chức Hành chính; 120/153 trường hợp không thông qua Đảng ủy; 116/153 trường hợp không thông qua Hội nghị viên chức lấy giới thiệu; 109/153 trường hợp không thông qua Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm lần 1…

Có 120/153 trường hợp không tổ chức Hội nghị liên tịch BGH- Đảng ủy để lấy phiếu tín nhiệm lần 2. Ngoài ra, 37 trường hợp bổ nhiệm lại không tiến hành đánh giá nhận xét cán bộ trước khi bổ nhiệm lại, không có tờ trình đơn vị, không lấy phiếu tín nhiệm, không thông qua Đảng ủy, không họp bàn Ban giám hiệu trước khi bổ nhiệm.

Đáng chú ý, việc bổ nhiệm 8 trưởng khoa, trưởng bộ môn không có bằng tiến sĩ - không đủ điều kiện bổ nhiệm theo quy định tại Điều lệ trường đại học ban hành theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, giai đoạn từ tháng 4/2015 đến tháng 9/2018, tổng số lượt người được bổ nhiệm là 145 lượt, bao gồm 107 quyết định điều động, bổ nhiệm vị trí mới và 38 quyết định bổ nhiệm lại.

Trong đó, 34 trường hợp bổ nhiệm trước khi có quy hoạch được duyệt; 14 trường hợp không có quy hoạch; 5 trường hợp điều động bổ nhiệm mới không thông qua Hội nghị viên chức lấy phiếu tín nhiệm lần 1; 12 trường hợp đã có khuyết điểm trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 được nêu tại Kết luận 109 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội; Tiến hành quy trình bổ nhiệm lại chức vụ Phó trưởng khoa Tài chính Ngân hàng nhiệm kỳ 2015-2020 đối với bà Mai Thị Thu Hiền đánh giá hàng năm và toàn nhiệm kỳ thiếu thống nhất, đã phát sinh khiếu nại kéo dài 2 năm 3 tháng.

Thể hiện sự độc đoán của Hiệu trưởng

Theo cơ quan thanh tra, giai đoạn 2005-2015, Đại học Ngoại thương có nhiều vi phạm quy định trong quản lý đào tạo, quản lý mua sắm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quản lý tài chính và công tác cán bộ.

Đặc biệt trong thời gian dài, các quy định về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định của Đảng không được thực hiện; công tác đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ vi phạm quy định về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thể hiện sự độc đoán của Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương.

“Những sai phạm trên là nguyên nhân chính gây ra bất bình trong cán bộ, viên chức và mất đoàn kết trong Ban giám hiệu của ĐHNT nhiệm kỳ 2010-2015”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Thanh tra Chính phủ xác định, để xảy ra vi phạm trên là trách nhiệm của lãnh đạo Đại học Ngoại thương giai đoạn 2005-2015 mà trực tiếp là Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu, Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Quy, Phó Hiệu trưởng Đào Thị Thu Giang, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính và các cán bộ tham mưu khác.

Vi phạm trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, xử lý kỷ luật giai đoạn từ 2015-2017 thuộc trách nhiệm của Hiệu trưởng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính giai đoạn từ 2015-2017.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thiếu trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, giám sát, không sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các sai phạm về về tài chính, về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đặc biệt về công tác quy hoạch, quản lý cán bộ. Không tiến hành thụ lý, giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo 2011. Tiến hành thanh tra nhưng chưa xem xét, đánh giá toàn diện các nội dung phản ánh.

Bộ GD&ĐT cũng thiếu trách nhiệm trong việc xem xét, xử lý sau thanh tra, đã không tiến hành theo đúng quy định, kết quả xử lý thiếu khách quan, không triệt để; Ban cán sự Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2010-2015 thiếu trách nhiệm trong phối hợp với Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội trong xem xét, xử lý trách nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý sau kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội./.