Cây xoài trên “đất Nam Bộ” ở Australia

Tuy không là người Việt đầu tiên đặt chân đến vụng biển Night Cliff từ những năm nửa cuối 1970 nhưng anh thanh niên Gò Công Văn Công Phú cũng đủ thời gian để hiểu đây chính là chốn dừng bước của mình-một nông dân nòi của đất đai. Mật độ dân thưa thớt ở Darwin khiến đất đai ở đây mênh mông, lòng người rộng rãi, như là một bản sao của Nam Bộ. Và khí hậu nhiệt đới mưa ẩm quanh năm tại đây là điều kiện tốt để những cây xoài hoang tự sinh tự mọc với giống trái thật ngọt mà dân bản địa da màu chẳng ngó ngàng đến.

Phú kể, hồi anh mới tới xoài được cho không hoặc để rụng, ai muốn hái ăn cứ mặc. Dần dần, khi người Việt về nhiều và bắt tay canh tác, xoài mới trở thành mặt hàng để mua bán; mỗi gốc xoài nhích dần từ 20 AUD (đô la Australia) lên 50 rồi 200 và bây giờ thì có giá đến 1.000 AUD/gốc. Từ trên cao nhìn xuống, những trảng xoài người Việt chạy mút mắt, vườn nhỏ nhất cũng vài mẫu.

Bây giờ, trang trại xoài mênh mông gần 30 mẫu của Văn Công Phú đã có cả khu liên hợp xử lý đóng gói hiện đại. Ngày ngày, tiếng xe trục liên tục hoạt động chuyển vận, nhất là những thời khắc cao điểm từ tháng tám đến đầu tháng mười một. Nhìn những ngón tay nám xạm đen vì mủ xoài của vợ chồng Phú, mới hiểu rằng cơ ngơi này là kết tinh của bao gian nan tâm lực. Mồ hôi thôi không đủ, còn cần phải tích lũy vốn liếng đầu tư quy trình khoa học để chiếm lĩnh thị trường. Vì người Việt ở Darwin như Phú không trồng xoài.... để ăn hay để vợ con chở đi bán như cảnh chạy chợ qua ngày tại quê nhà. 

Những nông dân Việt ở trời Tây

Khi biết gia đình anh Phú và công nhân giúp việc làm bảy ngày một tuần, mỗi năm chỉ nghỉ được chút ít khi mùa mưa tới sau vụ mùa; mới hiểu họ vẫn đang là những nông dân chân lấm tay bùn đích thực, dù ở trời Tây. Chỉ có điều, đến nay họ đang là những nông dân tỉ phú ở xứ người. Ra kinh doanh rồi, giờ làm “sếp lớn”, nhưng chị Phú vẫn quen nhẩm tính trên từng đốt ngón tay rất rành rọt và chân chất: Mỗi cây khoảng 200 ký trái, đến vụ thu vào từng thùng 500kg với sản lượng 70 tấn/mẫu. Trừ chi phí còn lời mỗi tấn 5.000 AUD, vị chi là 350.000 AUD/mẫu/vụ. 

Vốn từng là người miền Nam biết tận dụng thời vụ nên người Việt ở đây còn dành riêng một số diện tích để thâm canh xoài sớm mùa. Bởi nếu tháng tám mà đã có xoài thì lợi nhuận sẽ tăng thêm. Những công nhân chăm sóc, phân loại, xếp hộp tại trại xoài của Phú như chị Mạnh, anh Quân, cô Tiên cho biết, khi vào mùa họ bị công việc cuốn theo chẳng dám nghĩ đến thời gian, dù tại đây đã có hỗ trợ cả dàn dây chuyền kỹ thuật tiên tiến.

phu.jpg

Anh Phú đang điều khiển xe bốc hàng

Phong cách Tây Âu cũng đã bắt đầu thấm vào những người nông dân Việt: Trang trại xoài của anh Phú đã trang bị 2 hệ thống dây chuyền trị giá trên 100.000 USD, điều được coi là hiếm hoi trước đây. Ngoài ra, 70% người Việt trồng xoài ở Darwin đã trang bị máy móc hiện đại. Xoài được hái đưa về sẽ qua dây chuyền rửa sạch, chuyển qua wax (đánh bóng cho sáng vỏ), kế tiếp từng trái sẽ nối đuôi chạy dưới hệ thống khử trùng ion để đến khu quạt khô và rú khí gas cho nóng để tăng độ đường. Những trái xoài vỏ trông xanh mướt nhưng lại thật đậm vị ngọt này sẽ được dàn cân điện tử định lượng, phân loại, trước khi đóng vào từng hộp 7kg và bấm nhãn. Từng thùng có chữ in bên ngoài Australian Mongoes sẽ đi khắp nước Australia, đến tận Singapore, Malaysia... 

Buôn tận gốc, bán tận ngọn

Đã qua rồi những ngày gia đình Văn Công Phú phải đi hái xoài mướn, mua xoài chở đi bán để lấy vốn... trồng xoài. Cũng xa rồi thời gian cắn răng thâm canh đậu đũa, bắp, khổ qua để lấy ngắn nuôi dài. Kinh nghiệm đường đi nước bước thời “chạy hàng” đã giúp anh đầu tư thêm cả 3 xe container hiện đại, vừa chở hàng nhà lẫn chở thuê xuyên Sydney, Melbourne, Adelaide... Chính chúng đã bù thêm lợi nhuận hằng năm của vựa xoài gia đình. 

Sức lao động và đầu óc kinh doanh của Việt kiều vùng Darwin với nông sản nói chung và đặc sản xoài nói riêng đã gây ấn tượng với chính quyền địa phương. Đến mức, sở nông nghiệp Darwin đã chủ động liên hệ xây các nhà máy đóng gói và đứng ra bắc cầu nối với thị trường hải ngoại cho các chủ trang trại xoài người Việt. “Mộng” đóng tàu hàng của Phú để chở sản vật đến Jarkarta, Manila, Đông Timor có thể là chuyện khả thi, vì thực tế, các chặng đường này xem ra còn gần hơn cả những điểm trong nước Australia mà đoàn xe của anh đã đến như Brisbane, Canberra…

Ngoài ra, với tiền công 5.000 AUD/tháng kèm mỗi năm một vé khứ hồi về Việt Nam thăm quê, xem ra lớp nhân công ở những trại xoài này còn may mắn trong số đồng bào Việt tha hương, kể cả những người đến sống tại thành phố lớn xô bồ bon chen. Vùng đất chịu bom đạn chiến tranh thế giới duy nhất của nước Australia này ngày càng giống Việt Nam hơn nhờ bàn tay lao động cần cù nhào nặn, biến đổi cảnh quan thành hiền hòa với cây sai trái ngọt của nông dân Việt. Đâu đó, trên bàn ăn của các nhà hàng sang trọng Á-Âu đã, đang và sẽ có những miếng xoài bắt mắt ngọt ngào mang công sức và tấm lòng yêu đất của những người Việt như Văn Công Phú.../.