Tòa thượng thẩm Sham Alam của Malaysia hôm nay (3/10) lắng nghe các nhân chứng thuật lại những giây phút cuối của người đàn ông mang quốc tịch Triều Tiên tên Kim Chol (được cho là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un) tại sân bay Kuala Lumpur ngày 13/2/2017. Công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương và công dân Indonesia Siti Aisyah đang bị buộc tội sát hại người đàn ông này.
Đoàn Thị Hương mặc áo chống đạn để hầu tòa. (Ảnh: Malaysiandigest) |
Nhân chứng Juliana Idris, 37 tuổi, làm việc tại quầy dịch vụ khách hàng ở sân bay khi xảy ra vụ việc đã khai rằng, nạn nhân đến quầy thông tin vào lúc 9h10 và nói bằng tiếng Anh cầu xin sự giúp đỡ để đưa anh ta tới đồn cảnh sát.
Phó công tố viên Wan Shaharuddin Wan Ladin đã đưa ra bằng chứng cho thấy tay của nạn nhân run rẩy khi người đàn ông này tiếp cận nhân chứng Juliana Idris. Tuy nhiên, Juliana Idris cho biết cô không chắc về điều này. Nhân chứng Juliana Idris cũng khẳng định với bên công tố rằng nạn nhân đã sử dụng từ tiếng Anh “attacked”, nghĩa là đã bị tấn công.
“Đúng là anh ta đã nói bị tấn công bởi 2 người phụ nữ từ phía sau và nạn nhân cũng miêu tả bằng hành động rằng mặt anh ta bị chà xát”, Juliana Idris nêu rõ. “Tôi đã hỏi anh ta liệu anh ta muốn tới phòng khám hay báo cáo với cảnh sát, anh ta đã nói với tôi rằng anh ta muốn tới chỗ cảnh sát. Vì thế tôi đã đưa anh ta tới đồn cảnh sát”. Juliana Idris cũng khai đã chạm vào tay áo của nạn nhân trong lúc tiếp xúc với anh ta.
Luật sư của Siti Aisyah, ông Gooi Soon Seng đã hỏi Juliana Idris xem cô có thấy ai khác chạm vào mặt của nạn nhân không.
“Tôi không chắc, nhưng anh ta mô tả cho tôi cách những người phụ nữ đã chạm vào mặt anh ta, gần vùng mắt, nhưng tôi không thể khẳng định anh ta có bị chạm hay không”, Juliana Idris nêu rõ. Nhân chứng này cũng khẳng định không có bất cứ dấu hiệu nào như đau đầu, buồn nôn sau khi tiếp xúc với nạn nhân.
Khi luật sư của Đoàn Thị Hương, ông Teh Poh Teik hỏi Juliana Idris liệu cô có nhớ chính xác những gì nạn nhân nói hay không, Juliana Idris trả lời rằng: “Tôi không nhớ cả câu nhưng tôi nhớ những từ nhất định. Nạn nhân đã dùng từ bị ‘tấn công’”.
Juliana Idris cũng khẳng định cô không biết danh tính của nạn nhân cho tới khi anh ta được đưa đến chỗ Lance Corporal Mohd Zulkarnain Sainudin, nhân chứng đầu tiên trả lời tại Tòa Thượng thẩm Sham Alam.10 chuyên gia làm chứng trong phiên xử Đoàn Thị Hương
Nhân chứng thứ ba trả lời tại tòa là nhân viên y tế Rabiatul Adawiyah Mohd Sofi, 23 tuổi. Nhân chứng này khai rằng người đàn ông mang hộ chiếu tên Kim Chol đã có triệu chứng như bị nhồi máu, miệng chảy dãi và tay co giật khi tới phòng khám.
“Đồng tử mắt của anh ta ngước lên và anh ta đổ mồ hôi rất nhiều”, Sofi cho biết. “Anh ta ngồi trên ghế gần bàn đăng ký. Tôi nghĩ anh ta bị nhồi máu khi quan sát triệu chứng ban đầu”. Sofi khẳng định khi đó nạn nhân vẫn còn tỉnh táo.
Sofi khai, cô cùng các nhân viên khác và cảnh sát đã cố đưa nạn nhân vào phòng điều trị nhưng không được vì anh ta bị thêm một cơn nhồi máu nữa. Cuối cùng nạn nhân cũng đã được đưa vào phòng điều trị và bác sỹ Nik Mohd Adzrul Ariff Raza Azlan đã lắp ống trợ thở cho anh ta, Sofi cho biết thêm. Nữ nhân viên y tế này cũng khai rằng trong suốt quá trình, nạn nhân than phiền rằng ai đó đã xịt chất lỏng vào mặt anh ta.
“Tôi có thể thấy mắt anh ta đỏ và anh ta nói bị ngắt quãng”, Sofi khai. “Tôi đã lau mồ hôi cho anh ta. Anh ta đổ mồ hôi rất nhiều và mỗi lần tôi lau mặt anh ta bằng khăn giấy, anh ta vẫn tiếp tục đổ mồ hôi”. Sofi cũng cho biết cô không đeo găng tay khi thực hiện những thao tác trên.
Nạn nhân sau đó được đưa tới bệnh viện Putrajaya bằng xe cứu thương nhưng trên xe, các nhân viên y tế không thể đọc được huyết áp của anh ta. Trả lời phó công tố viên Wan Shaharuddin Wan Ladin về vấn đề này, nhân chứng cho rằng có 2 khả năng, một là màn hinh máy đo huyết áp có trục trặc, hoặc nạn nhân khi đó đã tử vong.
Trả lời câu hỏi từ luật sư của Siti, nhân chứng có biết, mồ hôi từ mặt người đàn ông không có mùi hay màu. Tuy nhiên, khi bác sỹ lắp ống thở, nhân chứng cho biết có xuất hiện mùi hôi.
Tòa Thượng thẩm Sham Alam sẽ tiếp tục gọi các nhân chứng vào ngày mai (4/10).
Trước đó, tại phiên tòa ngày 2/10, Đoàn Thị Hương khẳng định mình vô tội. Dự kiến trong đợt xét xử kéo dài từ ngày 2/10 – 30/11 này, sẽ có khoảng 30-40 nhân chứng được mời đến thẩm vấn trước tòa.
Bên lề phiên tòa, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã gặp gỡ, động viên Đoàn Thị Hương. Đoàn Thị Hương cho biết tinh thần và tâm lý ổn định.
Trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các luật sư bào chữa người Malaysia, các cơ quan liên quan để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương./.Vụ Đoàn Thị Hương: Tòa từ chối công bố danh tính 4 nghi phạm còn lại