Với mỗi con người, hạnh phúc giản dị đôi khi chỉ là có sức khỏe, có gia đình yên ấm, có một địa vị trong xã hội. Nhưng đối với đa số và con Việt kiều, hạnh phúc đối với họ còn là được theo dõi sự phát triển của quê hương, được nhìn thấy quê hương ngày càng phát triển.
Ông Ngô Bá, Việt kiều Australia, sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, người đã gần 40 năm định cư tại Australia. Hiện nay các con ông đều đã trưởng thành và có công việc ổn định ở Australia. Để có được những thành quả như ngày hôm nay, vợ chồng ông đã phải trải qua biết bao gian khó nơi đất khách quê người.
Ông Ngô Bá |
Trong nhiều năm qua, không năm nào ông Ngô Bá không có mặt trong ngày Tết cộng đồng do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney tổ chức. Đến đây, ông được gặp gỡ bà con- những người con Việt ở xa Tổ quốc cùng chung nỗi nhớ quê hương, để cùng chia sẻ về những vui buồn trong cuộc sống, được biết nhiều hơn thông tin về đất nước và cùng phấn khởi trước sự phát triển vượt bậc của quê nhà.
“Chúng tôi rất vinh dự vì mỗi lần đến dịp này, đều nhận được thư của Lãnh sự quán Việt Nam mời dự Tết cộng đồng. Tôi cảm thấy gần gũi thân thiết, làm ấm lòng những người người xa hương như tôi. Một lời ca du dương, một giọng ngâm thơ Huế, một bài chèo cổ cũng làm những người xa xứ như tôi hạnh phúc lắm”- ông Ngô Bá tâm sự.
Anh Quốc Lê |
Anh Quốc Lê, một Việt kiều ở Sysney, Australia hiện là chủ 6 bếp ăn di động với lượng khách hàng trăm lượt mỗi ngày. Các bếp ăn của anh Lê được thiết kế trên những chiếc xe container trị giá hàng trăm ngàn USD. Cách đây 26 năm, khi chân ướt chân ráo đến Australia để lập nghiệp, vợ chồng anh đã phải trải qua rất nhiều nghề và gặp vô vàn khó khăn. Ý tưởng làm bếp ăn di động được vợ chồng anh Quốc Lê bắt đầu từ cách đây 10 năm. Càng ngày, doanh nghiệp của anh Lê càng làm ăn phát đạt, là địa chỉ cho nhiều bữa tiệc lớn đến vài trăm người ở Australia.
Anh Lê tâm sự, kể cả những lúc khó khăn nhất, nhưng anh không bao giờ nản chí. Động lực để anh đứng vững ở nơi đất khách quê người, ngoài sự động viên của gia đình, vợ con còn có một điều lớn hơn anh muốn khẳng định người Việt Nam ở đâu cũng khắc phục được hoàn cảnh, nỗ lực vươn lên.
Anh Lê (áo trắng) đang giới thiệu với phóng viên VOV về bếp ăn di động của mình |
Với anh Lê, hạnh phúc cũng giản dị như bao người Việt khác, là có được việc làm ổn định nơi xứ người, có gia đình hạnh phúc và giúp đỡ được nhiều người. “Tôi chưa nghĩ đến việc gì xa xôi là đóng góp tài chính về đất nước, nhưng làm được gì trong khả năng của mình, tôi đều cố gắng, bắt đầu từ những việc rất nhỏ như nấu các món ăn ngày càng ngon hơn, mang đậm hương vị Việt Nam để giới thiệu với bạn bè thế giới. Nhiều người nước ngoài khi ăn các món ăn của Việt Nam, họ đều khen rất ngon. Và một việc tôi cũng làm từ nhiều năm nay là nhận các du học sinh làm thêm ở nhà hàng mình để họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Không chỉ cá nhân tôi mà tôi nghĩ, đã là người Việt Nam thì dù ở đâu cũng vẫn là người Việt Nam, đều rất nhớ nhà và luôn mong ngóng tin tức tốt đẹp từ quê nhà”.
Bà Võ Thanh Vân |
Bà Thanh Vân tâm sự, các con của bà giờ rất bận rộn nhưng khi nào có dip tụ tập đông đủ, bà lại không quên cùng còn cháu dọn dẹp nhà cửa, nấu các món ăn Việt Nam và giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. “Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên dù sống ở nước ngoài, tôi vẫn luôn nhớ về những kỷ niệm hồi nhỏ của mình. Nhiều lúc nhớ lắm. Nhất là hồi bé mỗi khi đến Tết, được cha mẹ mua quần áo mới, được quây quần gói bánh Tét và được theo cha mẹ đi lễ chùa, thăm ông bà và còn được tặng lì xì… Giờ các con tôi đều được sinh ra ở nước ngoài, tôi không bắt ép được các cháu phải có suy nghĩ giống mình, nhưng cố gắng để các con nói được tiếng Việt, biết được những ngày Lễ Tết của Việt Nam để các con không quên cội nguồn. Mỗi khi được nghỉ trong các dịp Tết của Việt Nam, các con tôi cũng đều đưa mẹ đến Lãnh sự quán Việt Nam để đón Tết cộng động”.
Luôn hướng về quê hương, dõi theo những tin tức ở quê nhà và dành tình cảm chân thành nhất cho đất nước là tâm sự của đa số Việt kiều mà chúng tôi có dịp trò chuyện trong chuyến công tác ở Australia. Bởi với họ, như chia sẻ của ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân toàn Australia “tôi lúc nào cũng có trái tim Việt Nam, là người Việt Nam, không có gì thay đổi được. Quê nhà là cội nguồn, lúc nào tôi cũng hướng về. Không chỉ riêng tôi mà hầu hết bà con ở Australia cũng luôn hướng về quê hương, không ai quên được Tổ quốc của mình, giống như không ai đem được trái tim ra khỏi cơ thể mình được’./.