Triển lãm hướng tới giới thiệu một lối sống lạc quan và thi vị của người dân trong một giai đoạn lịch sử bi tráng, hào hùng, đầy lạc quan và hy vọng của Việt Nam, như thiên đường khát vọng.
Với niềm đam mê nghệ thuật mãnh liệt, ông Geert Steinmeijer mở bảo tàng tư nhân bằng kinh phí tự có với phương châm kết nối cảm xúc nghệ thuật và coi bảo tàng như đứa con thứ ba của mình. Ông đã có thời gian kinh doanh, qua lại Việt Nam nhiều lần từ những năm 1990 cho đến 2010, đã gặp và yêu tranh của họa sỹ Việt Nam bởi đề tài, bút pháp và tư tưởng của các họa sỹ.
Trong thời gian này, ông đã thu thập được 35 bức tranh của các họa sỹ tài danh Việt Nam thuộc thế hệ đầu tiên và thứ hai sau Cách mạng Tháng Tám, như Trần Đình Thọ, Vũ Giáng Hương, Đỗ Xuân Doãn, Tô Ngọc Thanh, Huỳnh Phương Đông, Bùi Hữu Hùng, Đặng Xuân Hòa và Nguyễn Trung. Nhiều tranh Việt Nam đã được triển lãm rải rác từ năm 2020, nhưng đây là lần đầu tiên ông triển lãm toàn bộ bộ sưu tập, với chất liệu chủ đạo là sơn mài và lụa.
Tham dự khai mạc triển lãm, đại diện Ban chấp hành lâm thời Hội Người Việt Nam tại Hà Lan và nhiều bà con trong cộng đồng đều có ấn tượng sâu sắc và tự hào về tài năng của các họa sỹ Việt Nam, được cảm nhận tình yêu và sự đồng cảm, thấu hiểu của bạn bè Hà Lan dành cho Việt Nam và trên hết là niềm tự hào con dân của đất Việt anh hùng khi vừa kỷ niệm lần thứ 76 Quốc khánh một ngày trước.
Vinh dự được Bảo tàng mời cắt băng khai trương triển lãm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh chia sẻ cảm xúc đặc biệt: “Tôi trân trọng tất cả từ những bức công phu như sơn mài tới tranh lụa và tranh cổ động, tất cả đều có chiều sâu tư tưởng nói lên nhân sinh quan lạc quan của người Việt Nam. Giá trị của triển lãm ở chỗ người sưu tập tập trung được vào chiều sâu của lịch sử và như người dẫn dắt bảo tàng hôm đó nói rằng “lịch sử chưa bao giờ đối đãi dịu dàng với người Việt Nam”. Cái đó làm tôi suy nghĩ rất lâu và tìm lời giải đáp tại sao lại có những người thấu hiểu lịch sử Việt Nam đến vậy".
Bố cục triển lãm gồm 3 mảng: Bản sắc Việt, Phụ nữ Việt và Thiên đường trên trái đất. Không gian thứ nhất gồm các tranh sơn mài khổ lớn với cảnh làng quê, chợ quê, lễ hội, mái đình, những tà áo tứ thân xen lẫn áo dài, lũy tre xanh, đồng cọ … sắc màu truyền thống của thanh bình như mơ ước của dân tộc Việt Nam.
Không gian thứ hai, những chân dung phụ nữ, từ nét kiêu sa chốn cung đình đến vẻ đài các đô thị, từ thiếu nữ mộng mơ, nông dân cần cù nơi điền dã đến nữ dân quân làm ruộng bên cây súng, tất cả như muốn lưu lại muôn mặt phụ nữ Việt trong cuộc mưu cầu hòa bình và hạnh phúc cũng như quyết tâm bảo vệ nền tự do, hòa bình của đất nước, họ anh dũng, can trường không thua kém cánh mày râu.
Và cuối cùng, không gian thứ ba, ước mơ nơi trần thế là tranh về cuộc sống lao động và chiến đấu, những tranh cổ động với nét vẽ khỏe khoắn, những cuốn sách về nữ công gia chánh đã ngả vàng, xuất bản từ những năm chiến tranh ở Việt Nam mà ông Geert Steinmeijer sưu tầm được.
Cũng theo Đại sứ Phạm Việt Anh, sự tinh tế và tình yêu của nhà sưu tập đối với Việt Nam còn thể hiện ở thông điệp toát lên từ các bức tranh về tinh thần lạc quan, yêu hòa bình, bình thản đón nhận và nỗ lực phấn đấu của người dân Việt Nam. Đáng trân trọng hơn, tình yêu Việt Nam của doanh nhân người Hà Lan đã lan tỏa khắp gia đình nhỏ bé. Con gái ông vừa có chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy trong 6 tuần để hiểu Việt Nam bằng chính cảm xúc của mình, để trải nghiệm thiên đường trên trần thế mà cha cô đã hình dung./.