Hoạt động này do Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), Nhóm nghiên cứu Biển Đông và Trung tâm Thông tin và Tư liệu về Việt Nam (CID) đồng tổ chức nhằm giúp mọi người hiểu hơn về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, về tình hình Biển Đông hiện nay và kêu gọi sự ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.
Trên phương diện một cuộc triển lãm, "Hướng về Biển Đông" đã trưng bày một bộ sưu tập quý giá các tấm bản đồ cổ, do các nhà thám hiểm và hải dương học châu Âu vẽ, các châu bản, sắc phong thời Nguyễn... khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó là các tấm bản đồ mới, do Trung Quốc vẽ, với "đường lưỡi bò", "đường 9 đoạn" chiếm gần như toàn bộ Biển Đông; những bức hình chụp từ vệ tinh về việc Trung Quốc bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo; hình ảnh giàn khoan HD981 vi phạm lãnh hải Việt Nam... cùng nhiều hình ảnh về tham vọng bành trướng, thâu tóm toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc.
Người Pháp ký tên ủng hộ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. |
Trong khuôn khổ triển lãm "Hướng về Biển Đông", có chiếu các cuốn phim tư liệu xoay quanh các chủ đề về địa lý, lịch sử của Biển Đông, luôn gắn bó với Việt Nam, và đặc biệt là những hoạt động gần đây của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng ở nơi đây, phục vụ những tham vọng lãnh thổ và bá quyền của Trung Quốc, khiến cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng.
Triển lãm "Hướng về Biển Đông" dành phần lớn thời gian cho cuộc thảo luận về tình hình Biển Đông xung quanh một số chủ đề lớn được các chuyên gia trình bày như: "Các nước ASEAN đối phó với sức mạnh đang lên của Trung Quốc" của David Camroux, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI); "Những toan tính của các cường quốc thế giới và khu vực" của Piere Journoud, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược, giáo sư Đại học Paul Valéry Montpellier III; và "Dư luận công chúng và chính sách đối nội của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines" của Nguyễn Thanh Hương, thuộc Sciences Po Paris, thành viên Nhóm Nghiên cứu Biển Đông...
Cuộc thảo luận thể hiện mối quan tâm, lo lắng trước những diễn biến gần đây ở Biển Đông, xoay quanh sức mạnh đang lên và những hoạt động thể hiện tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông, phản ứng của các nước trong khu vực, thái độ của Mỹ, Nhật, EU...
Lá cờ có chữ ký ủng hộ của bạn bè quốc tế. |
Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến một cuộc chạy đua mua sắm vũ khí, sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc gắn liền với tình hình căng thẳng ở Biển Đông và đều bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam, mong muốn giải quyết những bất đồng bằng con đường hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Chia sẻ với phóng viên VOV, nhà sử học Alain Ruscio nói: "Khi nhìn trên tấm bản đồ của Trung Quốc với hình lưỡi bò kỳ quái, người ta thấy ở đó chính sách bá quyền nguy hiểm. Và tôi tiếp tục quan tâm ủng hộ chính sách của Việt Nam trong vấn đề này, chính sách dựa trên cơ sở đàm phán và luật pháp".
Còn ông David Camroux, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI) cho rằng: "Lợi ích của các nước ASEAN, và trước hết của Việt Nam, là việc ủng hộ vụ kiện của Philippines trước Tòa án trọng tài quốc tế về quy chế của các bãi đá. Ở đây, người ta không đòi hỏi Tòa phân xử chủ quyền lãnh thổ, mà là đòi hỏi sự xác định rõ ràng hiệu lực của Luật biển UNCLOS".
Cũng tại cuộc triển lãm-phim-thảo luận mang chủ đề "Hướng về Biển Đông", những người tham dự đã ký tên mình lên lá Cờ đỏ Sao vàng, biểu thị tình đoàn kết với đồng bào trong nước, với Việt Nam trong công cuộc bảo vệ biển đảo.
Buổi tối cùng ngày diễn ra đêm nhạc gây quỹ cho chương trình "Nhịp cầu nhân ái hướng về Biển Đông"./.