Triển lãm ảnh mang tên “Phụ nữ Việt Nam: Quá khứ và hiện tại” của nhà sưu tập Philippe Chaplain và nhà nhiếp ảnh người Pháp Daniel Fridman vừa diễn ra tại Nhà Việt Nam ở trung tâm Paris của Pháp .

Trong không gian hẹp nhưng ấm cúng những ngày đầu đông ở Thủ đô Paris, triển lãm ảnh như là một minh chứng cho sự phát triển của xã hội Việt Nam cũng như về vai trò và vị trí cao quý của người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.

phap-2.jpg

Tuy chỉ với khoảng 50 bức ảnh và ảnh bưu thiếp của nhà sưu tập Philippe Chaplain và nhiếp ảnh gia Daniel Fridman được chụp từ những năm đầu thế kỷ 20 đến nay, nhưng với nghệ thuật sắp xếp theo từng cặp cùng chủ đề đã làm nổi bật hình ảnh tương phản về người phụ nữ Việt Nam trong hai giai đoạn lịch sử khác nhau, từ xã hội thuộc địa đến những hình ảnh hiện đại, gợi cho người xem sự tương phản, so sánh giữa từng cảnh, từng con người, từng hoạt động sinh hoạt đời thường qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Qua các bức ảnh tại triển lãm, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thể hiện sự tươi mới, năng động và hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp trong sáng, đôn hậu truyền thống của dân tộc.

Trả lời phỏng vấn Phóng viên VOV tại Paris, nhà sưu tập Philippe Chaplain cho biết, ông bắt đầu công việc sưu tập các bức ảnh về Việt Nam cách đây 8 năm và hiện đã có hơn 2.000 bức ảnh. Ông Chaplain chia sẻ về con đường dẫn dắt ông tới bộ sưu tập ảnh và bưu ảnh về Việt Nam: “Cảm hứng gợi cho tôi sưu tập các bức ảnh về con người Việt Nam bắt đầu từ chuyến thăm nước này cách đây 10 năm. Qua chuyến thăm đó, tôi đã thực sự bị ấn tượng bởi đất nước và con người của các bạn. Từ sau chuyến đi đó, tôi bị thôi thúc phải sưu tập tư liệu để lưu giữ các kỷ niệm về các chuyến đi tới Việt Nam. Và sau đó nó đã thực sự trở thành một niềm say mê, tôi mua dần các tư liệu, làm các nghiên cứu và công việc này đã thực sự trở thành nhu cầu thôi thúc tôi viết và thực hiện các cuộc triển lãm ảnh về Việt Nam”.

Ông Philippe Chaplain hiện là Chủ tịch Hiệp hội di sản quốc gia Pháp, là nhà sưu tập và tác giả của nhiều tác phẩm bưu ảnh khác nhau như: cuốn sách ảnh “Sài Gòn – hòn ngọc Viễn Đông”. Ông cũng đã từng nhận được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi ảnh như Giải nhất Cuộc thi ảnh quốc tế mang tên “Hà Nội – điểm đến của các bạn” năm 2008 và năm 2009-2010 để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Về phần mình, nhiếp ảnh gia Daniel Frydman cho biết, ông thể hiện những bức ảnh về người phụ nữ Việt Nam hiện đại một cách tình cờ và khá bất ngờ là từ chính nhu cầu và sự gợi ý tìm kiếm sự khác biệt của những người phụ nữ Pháp, đặc biệt là những người thân bên cạnh. Ông Frydman cho biết: “Tôi chưa từng có ý định chụp hình về những người phụ nữ Việt Nam. Nhưng tôi không thể chỉ chụp những người đàn ông và đi du lịch Việt Nam mà không gặp những người phụ nữ. Với các khách du lịch khác cũng vậy, ai cũng gặp những người phụ nữ Việt Nam và khi trở lại đều kể về vẻ đẹp cuốn hút và những nụ cười của người phụ nữ Việt. Nhưng đó là khía cạnh khác. Tôi cũng có những bộ sưu tập ảnh về những chủ đề khác, nhưng chính những người phụ nữ Pháp đã cho tôi biết sự ngạc nhiên khi ngắm các bức ảnh về những người phụ nữ Việt Nam – những người ở một nền văn hóa khác với họ. Và chính một trong số họ, cô Juliane đã giúp tôi chọn lựa để làm cuốn sách ảnh về những người phụ nữ Việt Nam”. 

Ông Frydman cho biết cuốn sách ảnh sẽ đến với độc giả Việt Nam vào tháng 2/2014. Đó sẽ là chân dung về những người phụ nữ Việt Nam hiện đại không kém phần nóng bỏng nhưng vẫn giữ được nét trong sáng, bình dị và chân thành.

Cùng có mặt tại triển lãm và say mê ngắm các bức ảnh và bưu ảnh của hai nhà sưu tập và nhiếp ảnh người Pháp, ông Cấn Văn Kiệt – một Việt kiều sống tại Pháp nhiều năm, không khỏi xúc động nhớ lại những kỷ niệm về người mẹ, người chị Việt Nam của mình. Ông Kiệt cho biết: “Hôm nay, Nhà Việt Nam triển lãm ảnh về người phụ nữ Việt Nam xưa và nay. Nhìn ảnh về các cụ ngày xưa, tôi lại nhớ tới hình ảnh mẹ tôi và bác tôi là người Hà Đông và Sài Gòn giai đoạn những năm 30 còn khăn đóng, áo dài rất là đẹp. Cùng với đó, khi nhìn lại hình ảnh các cô gái Việt Nam hiện nay cũng như những năm tôi về Việt Nam sau năm 1975, 3 giai đoạn đoạn: thời Pháp thuộc, sau giải phóng và hiện nay, tôi thấy rõ rằng người phụ nữ Việt Nam mình rất đẹp, từ xưa tới nay vẫn giữ được nét thanh nhã, lịch sự”.

Triển lãm là một trong những sự kiện được Ngôi nhà Việt Nam tại Pháp tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng năm giao lưu chéo Việt Nam và Pháp 2013-2014. Dự kiến, buổi triển lãm sẽ được kéo dài từ nay tới hết ngày 3/2/2014./.