Trường Phổ thông 282 ở Moscow là trường công lập duy nhất trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam như một hoạt động chính thức. Để có được những lớp học này, là sự nỗ lực lớn của Ban Giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên, đó mới là điều kiện cần, lớp học sẽ không thể được tổ chức nếu không có cô giáo dạy tiếng Việt. Những lớp học này thường xuyên có sự góp mặt của 3 giáo viên, trong đó, Phạm Thị Minh Thúy là người đầu tiên tham gia, cũng là người hăng hái nhất.
Phạm Thị Minh Thúy là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Chị sang Nga làm nghiên cứu sinh, ngành Phương pháp dạy văn học Nga - Trường Đại học Sư phạm quốc gia Moscow. Từ chỗ dạy sinh viên đại học, giờ ở nước Nga, chị "tụt hạng", làm cô giáo dạy... đánh vần chữ cái. Lý do nào khiến Minh Thúy làm công việc này?
Trao đổi với chúng tôi, chị cho biết: "Khi đến Nga, mình không thể tưởng tượng là có cảnh những đứa trẻ bố Việt, mẹ Việt, thậm chí chúng vẫn mang quốc tịch Việt Nam mà không thể nói tiếng Việt. Mình trăn trở rất nhiều nhưng không biết nên làm thế nào. Bà Hiệu trưởng Trường Phổ thông 282 gặp mình, nói về ý tưởng dạy tiếng Việt tại trường".
Để chuẩn bị cho lớp học đầu tiên được khai giảng vào tháng 10/2008, chính Phạm Thị Minh Thúy đã phải sọan giáo trình dạy tiếng Việt. Tuy là giảng viên, nhưng sọan giáo trình dạy tiếng Việt, như một ngoại ngữ cho bọn trẻ chưa biết từ tiếng Việt nào là một thử thách lớn. Nếu Minh Thúy không làm, không biết công việc đó sẽ "đùn" cho ai? Đến giờ, sau nửa năm hoạt động, các lớp học tiếng Việt được tổ chức với 3 trình độ khác nhau diễn ra, như chính người trong cuộc nhận xét là: Tạm ổn.
Hiện ngoài Minh Thúy, còn có 2 giáo viên "bất đắc dĩ" khác. Nhưng một trong 2 tình nguyện viên kể trên sắp về nước khi chồng chị kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Nga. Bởi vậy, duy trì và phát triển các lớp tiếng Việt, là một bài toán quá khó...
Mặc dù lớp học được chính quyền Nga "bao cấp", nhưng mức độ chỉ có hạn, chủ yếu dừng ở "bao cấp" về mặt bằng và thủ tục pháp lý. Trong khi đó, để lớp học hoạt động, cần rất nhiều khỏan chi phí khác nhau. Do phần lớn bọn trẻ chỉ nói được tiếng Nga, không nói được tiếng Việt nên dạy tiếng Việt được tiến hành như dạy tiếng nước ngoài. Để bọn trẻ hiểu, cần những giáo cụ trực quan, đặc biệt trong việc dạy bọn trẻ hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam. Muốn có giáo cụ trực quan, phải có kinh phí. Thực tế khoản tiền này rất khó huy động từ phụ huynh học sinh. Bởi lẽ, cộng đồng người Việt tại Nga có tính ổn định thấp, cả về vị trí xã hội cũng như công ăn việc làm. Nhiều người lúc nào cũng lo lắng về giấy phép cư trú, và điều đó ảnh hưởng nhiều đến việc học hành của con cái. Giáo viên dạy không lương, giáo cụ trực quan được lấy từ các khỏan hỗ trợ, hoặc tiền túi của chính những "tình nguyện viên". Chiếc tivi và đầu đĩa được mua để chiếu cho các em học sinh xem những hình ảnh về Việt Nam là một ví dụ điển hình. Nó được mua về để phục vụ các buổi học từ tiền quyên góp của mọi người.
Chị Thúy cho biết, cũng may, có khá nhiều tấm lòng vàng đối với lớp học này. Nhà văn Nguyễn Huy Hoàng, tuy không có con em học ở đây, nhưng cũng là người nhiệt tình tham gia tổ chức và đóng góp. Thậm chí, lớp học còn nhận được cả đóng góp từ trong nước, đó là đóng góp của ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh...
Cái khó tiếp theo, đến từ chính cộng đồng người Việt. Nhiều người khi thấy có lớp dạy tiếng Việt miễn phí, đâm ra nghi ngờ. Chưa hết, nhiều gia đình nay thuê nhà chỗ này, mai thuê nhà chỗ khác, khiến chính những giáo viên tình nguyện phải... chạy theo giữ học sinh.
Nói về chuyện mở rộng những lớp học tiếng Việt, chị Phạm Thị Minh Thúy nói: Nỗ lực hết sức. Đúng, Minh Thúy và một số người đã nỗ lực hết sức. Nhưng để tiếng Việt trường tồn, không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của người bản địa, cũng như lòng nhiệt tình của những người tình nguyện. Bởi mỗi người đều có những lo toan về cơm ăn, áo mặc. Hai nhân vật chính của những lớp dạy tiếng Việt ở Trường Phổ thông 282 là chị Phạm Thị Minh Thúy và anh Lê Văn Huyến, đều là những nghiên cứu sinh tại Nga. Sau khi hoàn thành công việc nghiên cứu ở Nga, hẳn họ sẽ trở về Việt Nam. Và khi ấy, những lớp tiếng Việt sẽ ra sao, nếu không có những tình nguyện viên thay thế họ?./.