Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai từ nước ngoài trở về Hà Nội và trải lòng cùng bạn đọc trong chương trình giao lưu thơ “Tiếng gọi” do NXB Phụ nữ tổ chức. Chương trình diễn ra sáng 8/7 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, nhân dịp ra mắt tập thơ “Tổ Quốc gọi tên mình” của chị.
nguyen_phan_que_mai_xgrr.jpg

Tập thơ “Tổ quốc gọi tên mình” của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai gồm 99 bài thơ nói về tình yêu: tình yêu với cội nguồn dân tộc hòa quyện cùng tình yêu đôi lứa, tình yêu giữa con người với con người, và giữa con người với thiên nhiên.

Dù đang phải sống xa Tổ quốc, tác giả luôn đau đáu dõi theo vận mệnh của đất nước và luôn tự hào mình là người Việt. Bài hát "Tổ quốc gọi tên mình" (thơ Nguyễn Phan Quế Mai, nhạc Đinh Trung Cẩn) được hàng triệu người yêu mến, đã nhận được các giải thưởng chuyên môn cao quý như Giải A năm 2011 của Hội âm nhạc TP.Hồ Chí Minh, Giải A năm 2011 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giải Nhì, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 5 năm lần thứ nhất (2006 - 2011).

Tác giả Nguyễn Phan Quế Mai sinh ngày 12/8/1973 tại Ninh Bình, lớn lên tại Bạc Liêu. Tốt nghiệp chương trình thạc sĩ viết văn, ĐH Lancaster (Anh), chị vừa nhận được học bổng Tiến sĩ. Hiện chị đang học và làm việc cho trường đại học Lancaster (Anh Quốc). Là tác giả của sáu tập thơ (Trái cấm, Cởi gió, Những ngôi sao hình quang gánh, Bí mật của hoa senTổ quốc gọi tên mình), Nguyễn Phan Quế Mai đã được trao tặng Giải Nhất cuộc thi Thơ về 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Giải thưởng Thơ Hội Nhà Văn Hà Nội năm 2010, Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2010 cũng như Giải thưởng từ quỹ Văn hoá Lannan (Mỹ) cho tập thơ Bí mật của hoa sen (2014).

Các bạn trẻ hát ca khúc "Tôi nghe Tổ Quốc gọi tên mình" của NS Quỳ Hợp phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai tại buổi ra mắt tập thơ

Nhận xét về thơ Nguyễn Phan Quế Mai

  • “Một giọng thơ biết tiết chếđể khi chạm đến cái riêng tư vẫn không sa vào vụn vặt. Tình cảm với đất nước quê hương của người xa xứ, hoặc đang sống ngay giữa lòng đất nước, thật tha thiết mà không lạm dụng cảm xúc. Tác giả cũng chứng tỏ một bản lĩnh thơ trẻ, không chấp nhận cách cấu tứ quen tay, không sa vào ngôn từ dễ dãi, cũng không gây choáng bằng hình thức cầu kỳ, phù phiếm...

(Nhận xét của Hội đồng chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, về tập thơ Cởi gió, năm 2010)

  • “Ý thơ của Nguyễn Phan Quế Mai đa dạng và bao trùm, nhưng không bao giờ xa đất nước và gia đình cô... Đọc toàn bộ tập thơ, người ta không thể không cảm thấy mỗi bài thơ được viết vào cảnh quan Việt Nam qua trí tưởng tượng của nhà thơ. Những bài thơ không chỉ được tạc vào cảnh quan đó, mà được chạm khắc một cách rất tinh tế, để bảo tồn vẻ đẹp của một đất nước mà những vết thương chiến tranh không thể khuất phục được nó.”

(Tạp chí thơ quốc tế Poetry International Review, Mỹ, giới thiệu tập thơ Bí mật của hoa sen, năm 2015)