Lần đầu tiên trong lịch sử hội chợ châu Âu Strasbourg, năm nay, Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrautl đến phát biểu khai mạc ngày 6/9 và đích thân cắt băng khánh thành gian hàng của quốc gia khách mời - lần này là Việt Nam. Sự kiện này cùng khu trưng bày rộng lớn, đa dạng và chương trình biểu diễn nghệ thuật đậm chất dân tộc đã khiến hình ảnh của Việt Nam lan tỏa rộng khắp không chỉ trong vùng mà trên khắp nước Pháp và châu Âu qua các cơ quan truyền thông lớn của Pháp.

Ngay sau khi có bài phát biểu khai mạc hội chợ, trong đó nhấn mạnh đến chính sách hợp tác của nước Pháp, Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrautl đã cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng cắt băng khánh thành gian trưng bày của Việt Nam - quốc gia được chọn là khách mời danh dự tại hội chợ châu Âu Strasbourg 2013. Thủ tướng Pháp đã thưởng thức tiết mục trống hội truyền thống của Việt Nam và đi qua một vài gian hàng, thân thiện bắt tay một số chủ gian hàng.

hoi-cho-1.jpg
Thủ tướng và hai nữ Bộ trưởng của Pháp (bên phải) phát biểu khai mạc hội chợ

Phát biểu trước Thủ tướng, các quan chức Pháp và đông đảo khách tham quan, Đại sứ Dương Chí Dũng đã bày tỏ vinh dự của Việt Nam là quốc gia khách mời tại hội chợ và nhấn mạnh đây là biểu tượng của mối liên hệ đặc biệt và sự tin tưởng lẫn nhau giữa Việt Nam và Pháp.

Đại sứ cũng khẳng định trong 11 ngày hội chợ, Việt Nam giới thiệu đến công chúng Pháp và châu Âu nền văn hóa giàu có, nghề thủ công đa dạng và một Việt Nam vừa kết hợp được sự phát triển hiện đại và truyền thống. Và gian trưng bày của Việt Nam, theo Đại sứ Dương Chí Dũng, sẽ trở thành một địa điểm của tình hữu nghị, của trao đổi và hợp tác tại hội chợ.

Thủ tướng Pháp và Đại sứ Việt Nam tại Pháp thăm khu trưng bày Việt Nam

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV thường trú tại Pháp, Đại sứ Dương Chí Dũng đánh giá ý nghĩa đặc biệt của việc Thủ tướng Pháp trực tiếp cắt băng khánh thành và thăm gian trưng bày Việt Nam tại hội chợ.

Đại sứ Dương Chí Dũng nêu rõ: “Điểm quan trọng là chính sách của nước Pháp có chuyển biến, hướng tới các nước châu Á, các thị trường mới nổi, mà Việt Nam là một nước rất năng động. Với Việt Nam đây là mối quan hệ truyền thống, lâu dài, tin cậy và ông Thủ tướng Pháp nhắc lại việc sắp đón Thủ tướng Việt Nama sang thăm chính thức Pháp để bàn việc cùng nhau ký kết nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược. Văn bản đối tác chiến lược đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hai nước sau 40 năm thiết lập trao đổi cấp đại sứ”.

Đại sứ Việt Nam trao quà lưu niệm cho Thủ tướng Pháp

Với tư cách là khách mời danh dự tại hội chợ, Việt Nam được ban tổ chức trân trọng dành một gian trưng bày rộng tới 1.200 mét vuông, vừa để xếp một sân khấu biểu diễn rộng, một gian trưng bày thủ công mỹ nghệ quốc gia, một góc ẩm thực và hơn 20 gian hàng với nhiều mặt hàng truyền thống…

Logo với hình thiếu nữ đội nón lá đạp xe trên phông cảnh là các ruộng bậc thang xanh mướt cùng dòng chữ “Xin chào” được dán tại nhiều địa điểm khắp thành phố. Gian trưng bày đậm nét Việt Nam với cổng chào hình ngôi chùa, đầu rồng; bên trong có dựng tác phẩm Văn Miếu bằng tre được làm và vận chuyển từ Việt Nam sang. Chương trình biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam diễn ra liên tục trong nhiều ngày với các tiết mục múa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống thu hút đông đảo khách tham quan tụ hội về đây.

Gian hàng trưng bày tại khu Việt Nam

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Tổng Giám đốc hội chợ Claude Feurer cho biết, việc hội chợ châu Âu năm nay lựa chọn Việt Nam là khách mời không chỉ vì năm nay là Năm giao lưu chéo Việt - Pháp, kỷ niệm 40 năm quan hệ hai nước mà còn vì Việt Nam là một quốc gia mới nổi tạo nhiều hấp dẫn với Pháp và châu Âu.

Tổng Giám đốc Hội chợ châu Âu Claude Feurer trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

Ông Claude Feurer cho biết: “Ý tưởng của chúng tôi là muốn cho phép những quốc gia khách mời tự giới thiệu những điểm mạnh, đặc sắc của đất nước họ. Giống như nước Pháp, không chỉ có chiếc mũ bê-rê và bánh mỳ ba-gét Pháp, thì Việt Nam cũng có nhiều điều mà chúng tôi, người Pháp và châu Âu chưa biết đến. Việt Nam lại là quốc gia hiện đại, có những bước phát triển ngoạn mục tại châu Á. Ngay cả chủ tịch hội chợ cũng luôn bày tỏ ấn tượng trước sức tăng trưởng của các bạn sau mỗi lần ông sang thăm Việt Nam. Do đó chúng tôi nghĩ rằng người dân vùng Alsace, người Pháp và người châu Âu cần phải biết đến một Việt Nam như thế”.

Đúng như lời khẳng định của Tổng Giám đốc Hội chợ, nhiều khách Pháp và châu Âu thăm quan hội chợ bày tỏ ấn tượng đặc biệt với các mặt hàng thủ công của Việt Nam.

Khách thăm quan hào hứng với các mặt hàng của Việt Nam

Một khách tham quan rất hào hứng khoe chiếc nón lá bà vừa mua được: “Tôi vừa đi Việt Nam về đấy, đất nước các bạn rất thân thiện với nền văn hóa giàu có. Tôi thấy mình thật may mắn được đến thăm Việt Nam và hôm nay lại được tới hội chợ này. Xin chào các bạn và tôi vừa mua được một chiếc nón lá Việt Nam”.

Hội chợ châu Âu Strasbourg là một sự kiện có quy mô lớn với 1.200 gian hàng, mỗi năm thu hút tới khoảng 200.000 lượt khách tham quan. Điểm đáng chú ý là Strasbourg nằm sát biên giới Pháp - Đức, dân cư thu nhập khá đến cao, lại là nơi kết nối quan trọng - có trụ sở Nghị viện châu Âu.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ, đây vừa là một sự kiện mang ý nghĩa chính trị ngoại giao quan trọng đồng thời cũng là cơ hội hiếm có giới thiệu hàng hóa Việt Nam với người tiêu dùng Pháp, châu Âu và có nguồn lãi sau khi tham dự hội chợ./.