Nguyễn Văn Thọ là nhà văn Việt Nam sinh sống ở Đức, có nhiều tiểu thuyết, tập truyện ngắn để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Trong rất nhiều tác phẩm của ông, chủ đề người Việt xa xứ luôn có gì đó ám ảnh và tha thiết. Hơn 20 năm bươn chải xứ người, những con chữ của ông về chủ đề này luôn khiến người đọc rưng rưng xúc động. Cùng nghe nhà văn trải lòng về cái Tết Nguyên đán của người Việt ở nước Đức xa xôi.
Đắc tội với ông Táo
Ai đã từng côi cút một mình ở thành phố hun hút xứ người, xa quê hương bản quán, mới thấu hiểu cảm giác da diết nhớ mong, tưởng tượng, thèm khát về một cái Tết quê nhà. Thế nên dẫu chủ hãng khó tính tới mấy, không mảy may thông cảm cho cái Tết “ấm ớ” tính theo lịch mặt trăng; dẫu làm ăn lớn, mải buôn bán kiếm tiền… thì người Việt ở Đức cũng phải nghỉ ngơi dăm ngày, quây quần đoàn tụ hưởng thời khắc đặc biệt quan trọng trong phong tục, đời sống người Việt.
Bên Đức không có cái không khí chuẩn bị Tết rậm rịch cả tuần, cả tháng như ở Việt Nam. Nhất là khi người bản xứ đã ăn Tết Noel rồi; lại cảnh khác, người khác, gió màu khác, nắng còn mùi khang khác… Thế nhưng không khí Tết quê hương vẫn đọng nguyên trong trí nhớ, việc chuẩn bị cho cái Tết ở trời Tây cũng chẳng kém phần rộn ràng, nhộn nhịp. Lên chợ bán buôn, nhìn vào quầy hàng châu Á, thấy bánh chưng, bánh tét, mứt các kiểu, pháo hoa các loại, các màu… Rượu của ta (kể cả “quốc lủi” ngày xưa đến vò rượu cần Tây Nguyên, Tây Bắc), rượu màu, rượu mùi của Tây, từng dàn chật cứng trên giá. Báo Tết đẹp như tranh từng xếp, từng chồng đủ màu các loại. Hàng hóa cho Tết từ Hà Nội, từ TP HCM, từ 5 châu bốn biển chuyển sang ùn ùn.
Thường là chọn một ngày Chủ nhật cận Tết, người vợ tảo tần sẽ hy sinh một ngày nghỉ, theo xe chồng lên chợ Tết. Quầy hàng Tết Việt Nam nằm ngay trong các khu giao hàng của người Việt. Những bà vợ đã thạo lái xe từ lúc thanh xuân thì chả cần tới ai, tranh thủ một buổi chiều vù vù phóng đi, có khi cách nhà cả ba bốn trăm cây số, khuân về chật cứng cốp xe đủ thứ đã dự liệu trong đêm trước. Ai cũng muốn làm cho gia đình một cái Tết vật chất chẳng thua kém quê nhà.
Tính riêng giò lụa có tới cả chục hãng cung cấp. Toàn loại đặc biệt mừng xuân từ Hà Nội, Sài Gòn, Nam Định, Paris… nhiều khoanh giò còn hôi hổi mùi lá, hơi nóng do chính tay mấy chị em phường nghề dân gốc Hà Nội làm ngay trên đất Đức. Tất nhiên, những đồ “tự cung tự cấp” ấy được chế biến với nguyên liệu hạng nhất và kỹ thuật chân truyền của làng quê, của phường nghề ở quê hương. Những chuyện trên đây không phóng đại tô màu một chút nào, để cho các bậc trưởng lão, cha mẹ ở Việt Nam; cho những người vợ thương chồng còn bươn chải chốn tha hương; đừng lo ngại gì về vật chất hôm nay cho ngày Tết âm lịch ở xứ người.
Ở Đức, dù cá chép rất to và đẹp, mọi người cũng phải bỏ lệ cúng ông Công, ông Táo về trời. Biết đấy, nhớ đấy mà đành không làm. Bởi đây là thời gian bận bịu, ai cũng phải tính toàn từng ngày làm ăn trong dịp năm mới của Đức, “gỡ gạc” lại thời gian trước Noel “ế xưng ế xỉa”. Cúng tổ tông, ông bà, cha mẹ thì nhất quyết phải làm, không ai không làm. Còn với ông Công, ông Táo thì xin thông cảm, xá tội cho mấy đứa con xa quê bạt xứ!
Ngày xuân chạnh lòng nhớ quê
Gà tây, gà nuôi bằng ngô vàng nhẫy, béo tươi làm sẵn trên quầy khắp các siêu thị người Đức thiếu gì; nhưng mâm cúng đêm 30 nhất quyết phải gà trống đủ mào, đủ mỏ, đủ chân… Có anh bạn ở tận quá Berlin cả hơn 200 cây số hàng chục năm nay một thói quen liên hệ trước với một trại gà Đức đặt sẵn gà trống choai từ cả mấy tháng trước, dặn cách vỗ béo, gần Tết mới mang về. Dân Đức ngạc nhiên vì mỗi sớm tiếng gà trống gáy vang xa, nối theo nhau như một “bản đại hợp xướng” loài gà. Áp Tết, anh liên hệ với các nhà hàng châu Á, bán mỗi ngày vài trăm con, vặt long, làm ruột cho sạch sẽ tinh tươm chiều theo lối chơi đúng bài bản của dân mình bên Đức.
Có thiếu chăng là cành hoa đào Nhật Tân, Quảng Bá thắm hồng hơn với xuân; hay đối với một tay chơi người miền Nam thì hiếm hoi một cành mai vàng Đà Lạt. Thực tế giờ cũng có người mang mai vàng, đào thắm, đào phai từ quê sang bán chiều lòng người xa xứ, song giá cả quá đắt, lại nhiêu khê khi vận chuyển, nên cái món hoa ấy nhiều người đành nhịn. Nhiều nhà thường chơi hoa đào giả, thoáng nom như thật. Một số gia đình yêu hoa quá, nhớ hoa lắm, cho là thiếu cành hoa đào nhất quyết chưa là Tết thì học nhau chặt một cành trọi xương cốt xứ Đức, ươm ủ cả tuần trước Tết. Trong cái thời điểm lạnh kinh hồn, cành cây sẽ bật ra nụ xanh…
Mọi thứ tới hôm 30 tháng Chạp là hoàn tất. Cũng tinh tươm quần áo mới, cũng chúc tụng mừng tuổi như ai, cũng trăm nhà như một, người chủ gia đình tắm gội rồi long trọng thắp hương, đốt trầm, ngoảnh mặt lên bàn thờ với tấm lòng vọng về đất nước nơi phương xa. Tuy nhiên, cái Tết Việt ở trời Tây đến và đi rất nhanh. Nó để lại không ít sự lưu luyến, như miếng ngon nửa chừng, như câu chuyện tình đứt quãng dở dang… Bởi tất cả người xa xứ tự ý thức được khi nào cần tắt cái Tết, để lại lăn ngay vào cuộc sống cuồn cuộn châu Âu. Vì thế, người Việt dẫu ăn Tết xong rồi vẫn có cảm giác thiêu thiếu điều gì, xem VTV cũng chỉ đỡ đi chút nào thôi. Làm người con xa quê mới thấm thía nỗi nhớ quê. Không vật chất, tiền bạc, tình cảm nào có thể thay thế tình quê cha đất tổ…
Có người bạn kế hoạch là ở lại Đức ăn Tết rồi, nhưng tới khuya giở lại trang sách cũ của Thạch Lam, chợt ngồi thẫn thờ… Đùng đùng hôm sau bỏ chợ, lên phòng vé, bịa đặt ra tin khủng khiếp phải bay về khẩn cấp, chiếm một chỗ của bất kỹ hãng hàng không nào cũng được. Hôm về nước ăn Tết, bữa ấy gặp nhau ngoài sân bay, bạn cười toe toét. Yên vị trên ghế máy bay rồi, bạn mới thở phào, thì thào vào tai tôi: “Phải đi dạo ở Bờ Hồ dưới trời mưa bụi lây phây, ông ạ. Đã bốn năm chưa về,nhớ lắm! Phải… phải…”. Bạn vạch ra bao nhiêu là dự kiến, dự kiến mà ở đây đúng là chẳng thể có gì thay thế, tạo nên, mua được. Hẹn nhau sẽ về làng, quây quần bên nồi bánh, hít cho đầy lồng ngực cái hương vị của đêm trước Tết. Bay về để tận hưởng những điều giản dị vô cùng, như người ta đã từng yêu lắm lắm, xa nhau rồi mới chợt một khắc bất thần nhận ra./.