Tết cổ truyền trở nên xa bởi về địa lý, Ai Cập cách Việt Nam hơn 8.000km và lệch 5 giờ đồng hồ. Xa bởi văn hóa ở đây cũng có nhiều khác biệt. Người Ai Cập đa số là người Hồi giáo, theo văn hóa Hồi giáo nên những ngày lễ tết của họ cũng khác so với Việt Nam và các nước phương Tây. Người Ai Cập chỉ đón tết vào dịp sau tháng Ramadan (Eid al Fitr) hay còn gọi là Tết sả chay và Tết Eid Al Adha hay còn gọi là Tết cừu, Tết hiến sinh. Người Hồi giáo thậm chí không chú trọng đón Tết năm mới theo lịch dương vì họ sử dụng Hồi lịch.
Chính vì thế người Việt Nam ở Ai Cập đón Tết cổ truyền theo cách riêng của mình trong không khí xã hội nước sở tại khá yên bình và tĩnh lặng. Vì thế, không khí Tết cổ truyền chỉ có được từ mỗi gia đình người Việt ở đây hay các nhóm gia đình trong cộng đồng hoặc quây quần vào một ngày tại đại sứ quán. Tết cổ truyền xa với bà con ở Ai Cập bởi cộng đồng người Việt ở đây thưa thớt chỉ có khoảng gần 30 gia đình, chủ yếu là cán bộ ngoại giao, cơ quan đại diện, lại sống rải rác ở nhiều nơi trên lãnh thổ Ai Cập. Tết còn xa bởi thiếu thốn nhiều thứ như gạo nếp, đỗ xanh hay là dong và thậm chí cả thịt lợn.
Nhưng Tết cổ truyền lại rất gần bởi trong hoàn cảnh và điều kiện khó khăn ở Ai Cập như vậy, mỗi gia đình và cộng đồng lại có cách riêng để Tết trở nên ấm áp hơn. Những ngày tết cổ truyền, hầu như nhà nào cũng sẽ làm một mâm cỗ tất niên theo cách riêng để các thành viên cùng nhớ về quê hương, ông bà tổ tiên và ôn lại truyền thống văn hóa dân tộc. Dịp này họ cũng gọi điện chúc mừng năm mới ông bà, bố mẹ và người thân. Một số gia đình sẽ cố gắng gói cho được vài cái bánh chưng bằng là chuối để thấy Tết ở một nơi xa nhưng rất gần và để thấy được hạnh phúc bên người thân sau một năm sóng gió.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, để đảm bảo an toàn cho bà con, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập sẽ tổ chức gói bánh chưng để sau đó gửi tặng tới bà con kèm theo Thư chúc Tết của Đại sứ. Món quà tuy nhỏ nhưng thực sự rất ý nghĩa bởi nó không chỉ thể hiện sự quan tâm của cơ quan đại diện với bà con cộng đồng mà giúp bà con thêm gắn bó, đoàn kết và không quên quê hương, cội nguồn. Điều đặc biệt hơn là bánh chưng do chính anh chị em trong Đại sứ quán gói. Lá dong, gạo nếp, đỗ xanh được gửi từ Việt Nam sang, còn nhân bánh làm bằng thịt bò bởi đa phần bà con trong cộng đồng là người Hồi giáo hoặc lấy chồng là người Hồi giáo.
Tết cổ truyền thực sự thiêng liêng và ấm áp nhất khi bà con và cả cộng đồng cùng quây quần bên ngôi nhà chung tại Đại sứ quán trong đêm 30. Trong không khí đó, ai nấy như đang ở nhà, một cảm giác thực sự khó tả và trên khóe mắt ai đó cũng rưng rưng trong nụ cười hạnh phúc. Tết Việt xa lắm nhưng cũng gần lắm. Trong những giây phút đó mới thấy tình người Việt khi xa quê trong những ngày Tết trân quý biết nhường nào và hạnh phúc biết bao.
Những dịp này giữa sa mạc cát trắng hay các vùng quê dọc châu thổ sông Nile của Ai Cập, đâu đó vẫn có những vườn đào rực sắc hoa. Thấy đào là thấy Tết và nỗi nhớ quê hương da diết với mỗi người con đất Việt ở xứ Kim Tự Tháp. Nhưng dẫu khó khăn đến mấy, cộng đồng người Việt ở Ai Cập vẫn đoàn kết, gắn bó và luôn hướng về quê hương đất nước, vẫn nỗ lực học tập và làm việc như những cánh đào khoe sắc giữa sa mạc khô cằn nắng nóng./.