Mỗi khi dịp Tết đến Xuân về, người Việt Nam ai cũng như ai đều bồi hồi xúc động nhớ về quê hương, cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Đối với những người phải đón Tết xa quê hương là cả sự bùi ngùi, nhung nhớ và là nỗi buồn da diết không thể diễn tả thành lời.

Đối với những người đã trưởng thành có thể sẽ dằn lòng và chịu đựng. Nhưng đối với các em học sinh có thể sẽ là sự thiệt thòi, sự trống trải vô cùng. Song các em đã vô cùng nghị lực, biến sự nhung nhớ và xa cách qua việc học tập miệt mài.

Tại trường Trung học phổ thông Meitoku Gijuku nằm trên địa bàn thành hai thành phố Suzaki và Tosa của tỉnh Kochi, thuộc đảo Shikoku, một trong 4 hòn đảo lớn nhất của đất nước Mặt trời mọc, có 22 em học sinh Việt Nam đang ở trong tư thế và tình cảm đó.

anh_1_bpcp.jpgHọc sinh Việt Nam tại Meitoku

Theo thầy giáo IWATA MASAHIRO - người đảm trách việc học tập của các lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại trường Meitoku Gijuku, hiện tại 22 em học sinh Việt Nam đang nỗ lực học tập, nhiều em đạt được thành tích cao, thi đỗ vào những trường Đại học nổi tiếng của Nhật Bản.

Tết đến các em không thể về đón Tết cùng cha mẹ, ông bà, nhưng cũng gửi gắm những lời yêu thương, lời chúc từ đáy lòng tới những người thân yêu nhất của mình.

 

Du học sinh Việt Nam tại trường Meitoku Gijuku

 Em Trương Hạ Thảo Vy đến từ thành phố Hồ Chí Minh-học sinh năm thứ hai của trường Meitoku Gijuku gửi lời chúc Tết tới gia đình: “Sắp tết rồi, Bố mẹ có khỏe không ạ?. Con bên này sống rất là tốt. Con hơi mất ngủ chút, nhưng mọi thứ đều thuận lợi. Con mong bố mẹ giữ gìn sức khỏe, mỗi ngày đều sống trong niềm vui và gặp nhiều may mắn.”

Còn em Nguyễn Khánh Linh gửi lời chúc: “Con gái xin chào bố mẹ và gia đình. Con biết năm nay bố mẹ ra Bắc ăn tết và thăm ông bà. Vì bận học tập nên năm nay con không về Việt Nam ăn Tết được, nhưng bố mẹ yên tâm bởi con đang cố gắng rất nhiều ở đây trong sinh hoạt cũng như trong học tập.”

Em Ngô Huy Hoàng: “Con chào bố mẹ. Năm mới con chúc bố mẹ khỏe mạnh, công việc luôn luôn may mắn. Tết năm nay con không về được, nhờ bố mẹ gửi lời chúc tết các bác trong gia đình hộ con. Con mong gia đình mọi chuyện suôn sẻ, luôn luôn khỏe mạnh.”

Em Trương Hoàng Lộc: “Năm mới, con chúc bố mẹ mạnh khỏe, kiếm nhiều tiền để nuôi con ăn học. Mẹ ơi con sẽ cố gắng hết sức để được vào trường tốt. Mẹ và bà nhớ giữ gìn sức khỏe. Bà ơi bà cố gắng sống thật lâu chờ cháu lấy vợ sinh con để bà nuôi nhé.”

Em Đinh Quốc Anh: “Con chào ba mẹ. Năm mới con chúc ba mẹ và cả nhà mạnh khỏe, vui vẻ. Bên này, Tết đến, con và các bạn tập trung chơi với nhau nên cũng vui. Chúc gia đình năm mới mọi sự như ý. Chúc mừng năm mới.”

Các du học sinh tại trường Meitoku Gijuku gửi lời chúc Tết tới gia đình và người thân

Tất cả các em đều là học sinh năm thứ 2 của trường Meitoku Gijuku. Lời chúc của các em thật trong sáng và đầy tình cảm. Nơi quê hương cha mẹ, ông bà cũng phần nào vơi đi mong nhớ, mong các em cố gắng học tập, trở về giúp ích cho gia đình và tổ quốc.

22 em học sinh là 22 suy nghĩ khác nhau. Nỗi nhớ quê hương-nơi có Cha Mẹ, Ông Bà đang hy vọng các em trưởng thành, tiếp thu được nhiều kiến thức tại Nhật Bản.

Gác những khoảnh khắc thảnh thơi, vui vẻ, nỗi nhớ nhà vào trong tận đấy lòng, các em phải trở về với nhiệm vụ chính của mình là học tập. Bởi sau lưng các em không chỉ là sự mong đợi của Cha mẹ, Ông bà, mà là cả một tương lai tươi sáng cho chính các em, mà hiện tại các em đang miệt mài vun đắp.

Có thể trong khoảnh khắc này tại Việt Nam, thời khắc thiêng liêng, thời khắc giao hòa giữa trời và đất với một sinh khí mới đã đến rất gần, và tại Hồ Gươm, Quảng trường Thống Nhất...pháo hoa đã sắp sửa rực sáng lung linh chào đón năm mới, trong sự hân hoan của hàng triệu người Việt Nam. Còn tại Nhật Bản, đối với các em một năm mới là sự cố gắng mới, là thành tích trong học tập.

Phút giây thiêng liêng này, dù ai nơi đâu, dù già hay trẻ, ai ai cũng nhớ về quê hương-nơi có bóng lưng còng của Bà, của Ông đang thắp hương cũng tổ tiên, có cả hình dáng của mẹ của cha đang nhớ thầm đứa con của mình nơi xa xôi. Nhưng xin những người cha, người mẹ hãy yên tâm, nơi xa đó các con vẫn miệt mài học tập, rạng ngời một ý chí mạnh mẽ vươn lên.

Mỗi nét chữ là sự đong đầy nỗi nhớ, là sự gửi gắm không thành lời, món quà mừng tuổi ý nghĩa nhất, lớn lao nhất cho Ông bà, Cha mẹ.

Từ trái qua phải, Vân Anh-Huyền- Hoa đang học tập tại trường tiếng Shumei tại tỉnh Kobe Nhật Bản

Vào dịp Tết Việt Nam tại Nhật Bản, chỉ có những tổ chức lớn, Hội, Đoàn thể... mới có điều kiện tổ chức gặp mặt, cùng nhau gói bánh chưng, nấu những món ăn Việt Nam và vui tết. Còn đa phần các em lưu học sinh, thực tập sinh vẫn phải tuân thủ kỷ luật của nước sở tại, vẫn lên giảng đường, vào xưởng máy. Tranh thủ những phút thảnh thơi các em mới có thể rủ nhau, làm những món ăn ngày tết để lấp đi khoảnh khắc nhớ nhung.

Cùng chung trọ học một nơi, các em Vân Anh, Huyền, Hoa (từ trái qua phải) đang học tập tại trường tiếng Shumei tại tỉnh Kobe Nhật Bản, tranh thủ ngoài giờ học làm món nem rán, xôi ruốc, giò tai... để tự chiêu đãi nhau.

Những món ăn mang hương vị Tết dân tộc do du học sinh Việt Nam tại Kobe tự chế biến

Em Nguyễn Thanh Huyền tâm sự: Thực ra bọn em ngoài việc học ra cũng cố gắng làm thêm theo giờ qui định của chính phủ Nhật Bản, nên cũng không có điều kiện tham gia các hoạt động khác. Em cũng đã 2 lần không đón Tết ở Việt Nam, tuy nhớ nhà lắm, nhưng phải cố gắng học tập. Là con gái nên bọn em cũng biết làm vài món ăn Việt Nam, tạo không khí Xuân cho nhau để phần nào bớt đi nỗi nhớ nhà.

Không chỉ riêng Huyền, Vân Anh, Hoa mà có nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản vẫn đang hăng say làm việc, ngay cả khi không khí Tết đang rộn ràng tại Việt Nam.

Anh Vũ Thành Chung-Đại diện một doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản đã 7 năm nay không đón Tết tại Việt Nam. Ai cũng nghĩ có lẽ tình cảm sẽ chai sạn đi, nhưng với anh Chung, vào khoảnh khắc này không thể kìm nén nổi nỗi nhớ vợ con. Anh vẫn phải đi làm từ 7giờ sáng đến 9 giờ tối. Công việc bẵng đi để quên, nhưng rồi sau đó, hương sắc quê hương lại ùa về. Anh nói rằng thời gian và sự xa cách khó có thể làm thay đổi tình cảm bản thân đối với không khí Tết của Việt Nam. Có lẽ Tết là khoảnh khắc tuyệt vời nhất, nhưng cũng đầy tâm trạng đối với những người xa quê hương.

Anh Chung cũng cho biết thêm không phải người Việt nào tại Nhật Bản cũng có thể đón tết, nhất là các thực tập sinh. Họ vẫn phải đi làm hàng ngày, nhất là Tết năm nay lại đúng vào ngày thường nên không thể nghỉ, không có thời gian nhiều để tụ tập nhau. Đành phải đón Tết bằng chính tấm lòng của mình.

Đúng thời khắc giao thừa, có lẽ họ sẽ dành suy nghĩ để nhớ về quê hương, nơi có cha mẹ, người thân cũng đang thầm chúc phúc cho mình.

Nhưng có nhiều bạn lưu học sinh sẽ may mắnhơn khi được trường nơi mình học tổ chức gặp mặt nhân dịp năm mới Ất Mùi. Hội người Việt Nam tại tỉnh Kobe cũng đã tổ chức một buổi gặp mặt tại Hội trường Nada của trường Đại học Kobe mừng xuân mới. Nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, giò, chả...làm vơi bớt đi nỗi nhớ quê hương.

Du học sinh tại Kobe đón Tết cổ truyền dân tộc

Tại Nhật Bản hiện nay có tới hơn 90.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc. Số người này trải khắp các địa phương trên toàn nước Nhật Bản. Công việc khác nhau, có người có điều kiện tổ chức đón Tết, có những người vẫn phải đi làm trong thời khắc giao thừa, hay chìm trong giấc ngủ để ngày mai lại tiếp tục công việc mới, nhưng với họ Tết là sự phấn đấu cho tương lai. Có giây phút chợt buồn và chạnh lòng, nhưng từ trong giây phút đó là ý chí mới, nghị lực mới cho một tương lai mới./.