Mới đây, các sinh viên Nga đang theo học tiếng Việt tại các trường Đại học ở Moscow đã tổ chức rất thành công “Cuộc thi ẩm thực, kiến thức và trình diễn văn nghệ”. 

banh_bot_loc_ujfh.jpgĐội Học viện Á- Phi với phần thi làm bánh bột lọc Huế

Không rầm rộ, tưng bừng với đông đảo khách mời và khán giả, cuộc thi được tổ chức tại một nhà hàng “Đất Việt” giữa thủ đô Moscow. Cuộc thi đã cuốn hút sự hào hứng tham gia của hơn 20 bạn sinh viên của các trường Đại học Ngoại giao, Đại học Đông phương, Học viện các nước Á Phi (thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov - MGU) và Học viện Bộ Quốc phòng. 

Tất cả các môn thi đều nhận được sự nhiệt tình, háo hức của các bạn, từ thi tìm hiểu kiến thức “hái hoa dân chủ”; thi trình diễn các bài hát, điệu múa Việt Nam và thi làm bánh ba miền của Việt Nam ... 

Ban giám khảo chăm chú lắng nghe khi các thí sinh trả lời phần thi tìm hiểu Việt Nam

Nguyễn Thanh Hà, nghiên cứu sinh năm thứ 2 tại trường ĐH Sư phạm Moscow đồng thời tham gia giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam tại Viện ĐH Phương Đông, người hỗ trợ chính cho các bạn trong cuộc thi, chia sẻ: “Mọi thứ bắt đầu từ tình yêu của các bạn với Việt Nam. Khi lần đầu tiên chúng em tổ chức lễ đón Năm mới cho các bạn năm thứ 2 Học viện Phương Đông thì các bạn trường khác cũng biết và rất thích được tham gia một hoạt động như thế, một sân chơi vừa giúp hiểu biết về văn hóa, vừa có kiến thức và biết nhiều hơn về Việt Nam. 

Với suy nghĩ đó, chúng em quyết định tổ chức cuộc thi này và các thầy cô giáo đều đồng ý. Các bạn đều hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những hoạt động như thế này để nối kết tình hữu nghị giữa hai nước và để các bạn hiểu biết hơn về văn hóa Việt Nam và yêu Việt Nam hơn”. 

Sự thông minh, sự ham học hỏi, sự cần cù và nghiêm túc trong nghiên cứu, học tập về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử của Việt Nam đã được các bạn sinh viên thể hiện rất rõ khi cùng tham gia trả lời các câu hỏi mà ban tổ chức đưa ra. 

Những câu hỏi vốn không đơn giản để trả lời nếu không nghiên cứu kỹ, lại được vị giám khảo khá “nghiêm khắc” là thầy Maksim Siunherbec giảng viên Học viện các nước Á Phi (thuộc trường Đại học MGU) nêu thêm câu hỏi phụ ... vẫn nhận được những câu trả lời khá chính xác của các em. Tuy nhiên, cũng qua phần thi đó mà các em càng thấy mình còn phải học tập, nghiên cứu nhiều hơn nữa cả về kiến thức lẫn ngôn ngữ Việt. 

Giao lưu của các đội khi gặp câu hỏi khó

Phần thi biểu diễn văn nghệ và chế biến món ăn khiến không khí trở nên rất sôi động. Những bài hát, điệu múa Việt Nam, được các bạn tập luyện công phu và biểu diễn rất thành công. 

Ba bạn sinh viên nữ thuộc Đại học Ngoại giao với màn múa hát dân ca “Đi cấy” diện áo tứ thân, khăn vấn, hoa sen đặc trưng của Việt Nam. Đội Đại học Đông phương cũng đã trình bày đầy cảm hứng bài hát “Nối vòng tay lớn” trong một không khí rất hữu nghị Nga – Việt trong những tà áo dài, áo phông sắc màu cờ đỏ sao vàng của Việt Nam với gương mặt thuần Nga của các bạn. 

Tất cả mọi người có mặt trong khán phòng đều tán thưởng mạnh mẽ và cùng hòa giọng hát với các bạn tạo nên một không gian thật tươi trẻ, hòa đồng với khẩu hiệu “Tôi yêu Việt Nam” luôn hiển thị trên màn hình treo tường. 

Phần thi múa hát dân ca "Đi cấy" của các sinh viên Học viên Ngoại giao

Với sự hướng dẫn của một số “chuyên gia Việt”, ba món bánh đặc trưng: miền Bắc với bánh giò, miền Trung với bánh bột lọc và miền Nam với bánh ít ... đã được những bàn tay khéo léo của các sinh viên nam nữ chế biến rất thành công. 

Ban Giám khảo đã hết lời ngợi khen khi cùng nếm thử và chỉ còn biết ... ngất ngây với hương vị “rất Việt Nam”! Điểm số tặng cho các bạn từ ban giám khảo đã không thể khác hơn là “tuyệt đối”. 

Bạn Julia, sinh viên năm thứ 2 Học viện Á – Phi (MGU) vừa tham gia cùng đội của mình làm món bánh bột lọc và cảm thấy rất thích thú. Bạn chia sẻ rằng: “Món bánh mà chúng em tham gia làm hôm nay em chưa từng được nếm cho nên cũng khá khó để làm, nhưng chúng em thấy rất thú vị và hy vọng là chúng em đã làm đúng món “bánh bột lọc” sẽ chiếm vị trí thứ nhất”. 

Đội Học viện Ngoại giao với món bánh ít vừa hoàn thành

Nhóm 3 bạn gái thuộc đội của Học viện Ngoại giao là Gienhia, Natasha và Masha đã rất xuất sắc trong các môn thi, cả trả lời câu hỏi, múa hát và làm “bánh ít”. 

Các em chia sẻ về cuộc thi này và về tình yêu của mình với tiếng Việt, với đất nước, con người Việt Nam: “Đối với chúng em đây là niềm tự hào to lớn. Chúng em rất vui là có thể biểu diễn trong cuộc này. Khi em sang Việt Nam, em nghe rất nhiều bài hát phổ biến và em quyết định chọn bài hát này để hát và múa. 

Chúng em có rất nhiều các bạn Việt Nam và các bạn cũng giúp chúng em học tiếng Việt, kể cho chúng em nghe nhiều về văn hóa, phong tục của Việt Nam. 

Em muốn nói rằng, người Việt Nam rất tốt bụng và hiền lành. Mùa hè vừa rồi, em và Masha làm việc với một đoàn của nhà hát và chúng em đã kết bạn được với rất nhiều người bạn Việt Nam. Đối với chúng em đó là niềm vui to lớn. Em hy vọng em sẽ làm việc trong lĩnh vực văn hóa. Em muốn tăng cường mối quan hệ văn hóa giữa Nga và Việt Nam”. 

Cũng rất thích thú vì lần đầu tiên tham gia hoạt động này, bạn Galim và Maksim đang theo học năm thứ 2 trường Đại học Đông Phương cho biết vì sao lại chọn tiếng Việt làm ngành học của mình rằng: “Em chọn tiếng Việt vì tiếng Việt rất hay và em muốn sau này sẽ sang Việt Nam làm việc. Em rất thích tiếng Việt vì tiếng Việt rất đẹp và em quan tâm đến văn hóa Việt Nam vì rất hay và lịch sử anh hùng. Chúng em rất thích học lịch sử của Việt Nam”. 

Cùng học múa sạp

Rất ủng hộ việc tổ chức hoạt động này, cô giáo Elena Tiumeneva, tiến sĩ lịch sử, giáo sư Viện Đại học Phương Đông và Trường ngoại ngữ cao cấp trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhận xét: “Cuộc thi tìm hiểu Việt Nam là rất bổ ích, không chỉ đối với các cháu học tiếng Việt mà còn với cả gia đình của họ, với nhiều người. Càng nhiều người biết về Việt Nam họ càng thích Việt Nam, càng muốn sang thăm Việt Nam. Các bạn Nga biết tiếng Việt càng hiểu thêm dân tộc Việt Nam anh hùng. 

Sinh viên của chúng tôi rất cố gắng để nâng cao trình độ tiếng Việt để sau này trở thành chuyên gia có thể làm việc ở đây hoặc sang Việt Nam. Cho nên, như các bạn thấy, họ rất thích tham gia các cuộc thi không chỉ múa, hát mà còn nấu cơm Việt Nam”. 

Kết thúc buổi thi, dù có đội nhiều điểm hơn, ít điểm hơn... nhưng “tất cả đều thắng”, đều được nhận quà lưu niệm. Những cái bắt tay, những nụ cười thân ái nở trên môi, làm gương mặt ai cũng rạng ngời. Tất cả đã cùng nắm tay nhau học và nhảy bài múa sạp của dân tộc Thái mà các bạn đã từng được xem và rất mong có dịp được học, được thử.

Các cô gái Nga trong trang phục nón lá với áo dài Việt Nam

Hoạt động ngoại khóa lần đầu tiên được tổ chức giữa các trường có sinh viên Nga theo ngành Việt Nam học cho thấy các em rất cần một sân chơi phù hợp để việc học tập đạt hiệu quả hơn và quan trọng hơn là để nhân lên nhiều hơn trong các em niềm yêu thích tiếng Việt, văn hóa Việt và đất nước, con người Việt Nam./.