Thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 2000 người Việt Nam đang sinh sống, lao động tại Myanmar. Lao động Việt chủ yếu sang theo các doanh nghiệp đang có dự án đầu tư, kinh doanh tại Myanmar và lúc nào họ cũng luôn hướng về Tổ quốc, đặc biệt là mỗi khi tết đến xuân về. Đoàn công tác Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) vừa có chuyến công tác tại Myanmar và được gặp gỡ những lao động Việt tại đây.

Là một đất nước mới chính thức mở cửa từ năm 2016, nên Myanmar là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại đây, ba tập đoàn lớn là Viettel, BIDV, Hoàng Anh Gia Lai trong số 10 tập đoàn lớn của Việt Nam đã mở văn phòng đại diện và bước đầu có những thành công khá ấn tượng. Phần lớn lao động Việt Nam tập trung sống và làm việc tại thành phố Yangon, trung tâm tài chính, thương mại của Myanmar.

Tết té nước của người dân Myanmar diễn ra vào tháng 4, nên vào dịp tết cổ truyền của Việt Nam mọi hoạt động tại đây vẫn diễn ra bình thường. Vào dịp Tết cổ truyền dân tộc, phần lớn lao động Việt đều về quê đón tết chỉ còn một số ít người ở lại. Anh Nguyễn Khắc Chí Nhân, 35 tuổi, quê ở Hoài Đức, Hà Nội, hiện đang làm việc tại Mytel ở Yangon được gần hai năm, thu nhập khoảng 1.000 USD/ tháng. Đây là năm thứ hai anh không về quê đón tết cùng gia đình. Anh Nhân cho biết: Hiện nay do Mytel đang tập trung mọi nhân lực, nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng, phát triển khách hàng nên anh em phải chia nhau ra nghỉ tết.  

Anh Nhân nói: "Công ty tổ chức cho anh em liên hoan vào 30 Tết. Buổi tối, anh em cán bộ ở lại rủ nhau đi chùa Đại Phước ở Yagon. Lúc đầu cũng hơi nhớ nhà, nhưng sau cũng quen".

nld_1vov__esmx.jpg
Anh Nguyễn Khắc Chí Nhân.

Những cán bộ, công nhân khi sang làm việc tại Myanmar ngoài tiền lương, thưởng đều được công ty hỗ trợ tiền thuê nhà và vé máy bay đi lại. Do chính sách nhập cảnh cũng như quy định nhập cư khá chặt chẽ tại Myanmar, nên hầu hết lao động Việt cứ hai tháng hay một năm lại phải quay về nước để nhập cảnh một lần. Thậm chí, một số người Việt kết hôn với người Myanmar nhiều năm do không được nhập quốc tịch nên cũng phải quay về nước để làm thủ tục nhập cảnh. Do đường hàng không thuận tiện, thời gian bay từ Yangon về Hà Nội chỉ chừng 1 tiếng 50 phút, nên hầu hết người Việt đều ấn định về quê ăn tết “một công đôi đường”. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, người Sài Gòn, đang làm việc tại Mytel chia sẻ: Đây là năm thứ hai ăn tết xa nhà, do có cô con gái 10 tuổi sang ở cùng Myanmar với mẹ nên cũng đỡ buồn hơn một số bạn.

"Ước mong thì nhiều, thực ra bên này không có hoa đào hoa mai còn bánh chưng, giò thủ, thịt đông đều được đơn vị chuẩn bị chu đáo", chị Hà chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Diễm, làm việc tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Myanmar được 7 năm. Hiện nay, chị đang có cuộc sống khá ổn định vì chồng và cô con gái 3 tuổi cũng sang Myanmar. Chị Diễm cho biết: Nói chung cuộc sống ở Myanmar cũng dễ chịu và thanh bình, giá cả sinh hoạt rẻ hơn ở Việt Nam. Khoảng hai tháng cả gia đình lại về nước một lần để làm thủ tục nhập cảnh lại và cũng là dịp thăm gia đình nên cũng đỡ nhớ nhà.

Chị Diễm cho biết: "Tôi sống ở nhà công vụ BIDV cùng các anh em như gia đình lớn. Tết đến cũng tổ chức gói bánh  chưng, hay gửi mua hoa đào, bánh chưng từ Việt Nam sang. Nói chung cũng đầy đủ, chỉ khác là ở đây không có cái lạnh như ở Hà Nội".  

Năm nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar tổ chức tết cho cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Myanmar vào ngày 25/1. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, người Việt sinh sống, làm việc tại Myanmar gặp gỡ giao lưu, cũng là dịp tìm ra cơ hội, hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống. Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Myanmar cho biết: Năm nay chủ đề của tết cộng đồng có tên “Tôn vinh giá trị Việt”. Khoảng 600 khách đến tham dự và sự kiện này được tổ chức tại trụ sở của Mytet ở thành phố Yangon.

Bà Diệp nói: "Đại sứ quán cũng rất may mắn có cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ trong hoạt động thương mại đầu tư, văn hóa. Cộng đồng người Việt tại đây rất gắn bó với nhau, qua hoạt động của sứ quán".

Năm 2018 vừa qua đã đánh dấu những kết quả kinh doanh khá thành công của các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar. Những thương hiệu Việt đã có được hình ảnh tốt đẹp, sự tin cậy của người dân Myanmar. Để đạt được giá trị Việt phải nói đến sự quyết tâm của các  doanh nghiệp trong nước cũng như tinh thần làm việc, đoàn kết, hữu nghị của những người lao động Việt trên đất nước Myanmar. Một năm mới đến gần, xin chúc cộng đồng người Việt, các doanh nghiệp và những người đang lao động, sinh sống, học tập ở Myanmar một năm mới an khang, thịnh vượng và gặp nhiều may mắn!/.