Ngôi làng Yèbles là một ngôi làng thuần nông rất nhỏ, chỉ có khoảng 1.000 dân, nằm giữa những cánh đồng rộng lớn của tỉnh Seine-et Marne, cách thủ đô Paris hơn 50km về phía Đông. Chỉ là một ngôi làng bình dị, không có gì nổi bật nhưng từ năm 2015, chính quyền ngôi làng đã đề ra một sáng kiến và đang ngày càng được đón nhận nhiều hơn, đó là việc tổ chức một lễ hội “Cuối tuần Pháp ngữ” vào mỗi dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Pháp ngữ hàng năm 20/3. 

Mục đích của sáng kiến này, đó là đưa các nền văn hoá của các quốc gia Pháp ngữ trên khắp thế giới tiếp cận sâu hơn với một bộ phận lớn dân chúng Pháp sống ở các vùng quê, vốn ít có cơ hội tiếp xúc nhiều với các quốc gia Pháp ngữ khác nhưng lại chính là nơi lưu giữ những truyền thống văn hoá, ngôn ngữ đặc trưng nhất của nước Pháp và tiếng Pháp.

Được tổ chức 2 năm một lần, ngày hội “Cuối tuần Pháp ngữ” là dịp để đại diện các quốc gia Pháp ngữ có mặt tại Pháp tụ họp, giới thiệu văn hoá dân tộc mình thông qua âm nhạc, ẩm thực, văn học hoặc các trò chơi dân gian cũng như tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua các buổi thảo luận về một số chủ đề xã hội, dân sinh nổi bật tại các quốc gia Pháp ngữ.

Tại lần thứ tổ chức thứ 4, diễn ra trong hai ngày 19/3 và 20/3 tại ngôi làng Yèbles, ngày “Cuối tuần Pháp ngữ” có gần 40 gian hàng đại diện cho nhiều quốc gia và địa phương Pháp ngữ tham dự, từ các nước châu Phi như Maroc, Bờ Biển Ngà, Senegal, châu Á như Việt Nam, Lào hay từ cả Bắc Mỹ như vùng Quebec của Canada. Năm nay, Moldavia, quốc gia nhỏ nằm ở Trung Âu, được chọn là quốc gia khách mời danh dự.

Chị Léa Chirinciuc, Sáng lập viên của Galérie Moldave, một phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, thủ công truyền thống của Moldavia tại thủ đô Paris từ 17 năm nay, cho biết ngày hội là dịp tuyệt vời để tìm hiểu các sắc màu của cộng đồng Pháp ngữ.

“Chúng tôi thực sự mong nhiều người sẽ đến thăm và khám phá các sắc màu của 40 quốc gia Pháp ngữ. Mỗi nước đều khác nhau và đều có một thông điệp để truyền tải, thông qua văn hoá truyền thống, âm nhạc và ẩm thực”.

Đại diện Việt Nam tham dự lễ hội “Cuối tuần Pháp ngữ”, Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp đã giới thiệu một gian hàng trưng bày với các hình ảnh đặc trưng của Việt Nam, từ áo dài, nón lá cho đến trò chơi dân gian của trẻ em là nặn tò he. Trong tối ngày 19/3, Trung tâm cũng đã tổ chức một đêm Việt Nam nhằm giới thiệu ẩm thực và âm nhạc Việt Nam đến với các bạn bè Pháp ngữ. Ông Nghiêm Xuân Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp, cho biết.

“Có thể nói là qua nhiều lần tham gia, Ban Tổ chức rất ấn tượng với Việt Nam vì sự chuẩn bị công phu, đa dạng. Chúng tôi mang đến cho bạn bè quốc tế những nét đặc sắc của Việt Nam, từ những di sản văn hoá được UNESCO công nhận, những nghề thủ công truyền thông, những đặc trưng của văn hoá Việt Nam. Năm nay, Ban Tổ chức cũng dành cho Việt Nam một sự kiện riêng, là “Đêm Việt Nam” để giới thiệu về Việt Nam vì năm 2024 Việt Nam sẽ là khách mời danh dự của sự kiện này”./.