Đoàn Việt Nam do Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức tham gia đã để lại ấn tượng đẹp tại lễ hội văn hóa "Weekend Francophonie" (Cuối tuần Pháp ngữ) giữa rất nhiều đoàn từ các nước trong khối.
Lễ khai mạc "Cuối tuần Pháp ngữ". |
Dưới mái lều bạt thoáng đãng, rộng rãi, một khối Francophonie thu nhỏ hiện lên sinh động, đa sắc. Lễ khai mạc chứng kiến một đoàn đại diện đông đảo các nước, ở mọi châu lục, thuộc mọi mầu da.
Trong gian trưng bày nhỏ bé của riêng mình, đoàn mỗi nước đều cố gắng bài trí, đưa ra những sản phẩm đặc trưng, điển hình, phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc.
Người ta không khỏi ấn tượng với những bộ mặt nạ gỗ trên sạp CHDC Congo, những bức thổ cẩm của Moroco; những kiềng bạc của Senegal; những mẫu đá ngọc đủ mọi hình thù, màu sắc của Madagascar, đồ thủ công mỹ nghệ, mũ, khăn, và sách vở, truyện tiếng Pháp...
Gian hàng đa dạng của các nước tham gia lễ hội. |
Tại "Weekend Francophonie", văn hóa phi vật thể cũng được thể hiện phong phú. Không gian tràn ngập tiếng đàn, hát, tiếng trống phách, rộn ràng những điệu nhảy dân tộc đặc trưng: Niger, Cabo Verde, Algeria, Bờ Biển Ngà, Haiti, Cộng hòa Séc, Moldova...
Bao trùm, xuyên suốt những sắc thái văn hóa đó là tiếng Pháp. Bỏ lại đằng sau lịch sử thực dân, đó là chất keo gắn kết những dân tộc liên quan trong một cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie), cùng nhau chia sẻ những giá trị văn hóa, phấn đấu vì một thế giới văn minh, không bạo lực, không chiến tranh, "thống nhất trong đa dạng".
Trong diễn văn khai mạc, bà Marienne, Trưởng Ban tổ chức lễ hội nhấn mạnh: "Nếu như chúng ta muốn cùng nhau chung sống trong giá trị của tính đa dạng, chúng ta cần phải hiểu nó và tăng cường đối thoại. Chúng ta không có tham vọng thay đổi hoàn toàn xã hội, nhưng chúng ta có thể góp phần nhỏ bé của mình vì điều đó".
Gian hàng của Việt Nam gây ấn tượng mạnh. |
"Weekend Francophonie" cũng là dịp để các học giả, chuyên gia mở các cuộc nói chuyện về nhiều chủ đề khác nhau, như: Jean-Louis Thieriot với "Những sức mạnh hải ngoại Pháp"; Ranka Bijeljac với "Đa ngôn ngữ: chỗ dựa hay gánh nặng?"; Nhà xuất bản Larousse với "Thành ngữ trong tiếng Pháp"...
Trong tấm "kính vạn hoa" Francophonie ấy, gian trưng bày của Việt Nam gây ấn tượng mạnh bởi nét văn hóa Á Đông đặc sắc giữa không gian đa phần là văn hóa Âu - Phi.
Ở đây, đất nước Việt Nam hiện lên với những biểu tượng đặc trưng nhất với Cờ đỏ sao vàng, với phông nền in hình Khuê văn các dưới bóng đa, cảnh đồng quê, cảnh hát chầu văn. Trên sạp bày những chú tễu, những con giống đặc trưng của nghệ thuật rối nước; những chiếc sáo trúc; quạt giấy, nốn lá, đồ thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ từ mây tre... Sau sạp, những thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài dân tộc với nụ cười tươi níu chân du khách.
Cũng tại đây, tiếng đàn bầu, đàn nhị đã đưa những làm điệu dân ca Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp thêm một âm sắc vào kho tàng âm nhạc dân gian Francophonie./.Việt Nam có vị trí quan trọng trong Cộng đồng Pháp ngữ