Tham dự lễ kỷ niệm, về phía Nga có chủ tịch Uỷ ban Khoa học và đại học A.S.Macsimov, ông S.E Bakulev-Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và sức khỏe mang tên P.F. Legaft tại S.Peterburg, cùng đại diện một số ban, ngành, doanh nghiệp của thành phố. Về phía Việt Nam có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP.Hồ Chí Minh, dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao thành phố đang ở thăm và làm việc tại Nga. Đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa, đoàn đại biểu thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Duy Bắc-Phó Viện trưởng Học Viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cùng đông đảo cộng đồng người Việt, sinh viên Việt Nam và Nga đang học tập tại các trường Đại học ở Saint.Peterburg.

vov_1_coog.jpg
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện lãnh đạo chính quyền, trường ĐH ở S.Peterburg chủ trì Lễ kỷ niệm Sinh Nhật Bác. 

Tại đây, các đại biểu đã nghe các bài phát biểu của bà Thân Thị Thư-Uỷ viên Ban Thường Vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Duy Bắc-Phó giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tấn Tuân-Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, ôn lại và ca ngợi những cống hiến của Bác trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Các diễn giả đều bày tỏ niềm xúc động được tham dự lễ kỷ niệm 128 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố S.Peterburg, đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm ngày Bác đặt chân đến Petrograd-tên cũ của thành phố S.Peterburg. Sự kiện Hồ Chí Minh đến S.Peterburg năm 1923 là lần đầu tiên Người đến nước Nga, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và cao đẹp của Người, đồng thời cũng khởi đầu những trang sử quan hệ hữu nghị hết sức tốt đẹp giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Liên xô trước đây, nay là liên bang Nga.

Các diễn giả khẳng định, lễ kỷ niệm sinh nhật Bác là dịp để mỗi chúng ta dành thời gian nhớ về Bác, vị lãnh tụ vĩ đại và muôn vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam. Đồng thời bảy tỏ sự trân trọng và biết ơn đối với những giúp đỡ to lớn và chí tình của nhân dân Liên xô trước đây trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, cũng như trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga tiếp tục phát triển tốt đẹp, bất chấp những biến động phức tạp trên thế giới. Việt Nam luôn đặt ưu tiên hàng đầu trong việc củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với liên bang Nga vì sự phát triển của hai đất nước, vì hạnh phúc và thịnh vượng của hai dân tộc.

Tượng đài Bác tại đại học tổng hợp S.Peterburg.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, cùng đông đảo các đại biểu Nga và Việt Nam đã đặt hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp S.Peterburg. Phát biểu sau lễ đặt hoa, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ niềm xúc động của người con từ thành phố mang tên Bác, được có mặt trong sự kiện trọng đại này. Đồng chí đã nhắc lại dấu mốc lịch sử năm 1911 khi Bác rời bến cảng Nhà Rồng, ra nước ngoài bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã sang Pháp, Anh, Ý để học tập tại nhiều trường Đại học, tìm hiểu về cuộc sống của nhân dân lao động trên thế giới và  phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, năm 1920 Bác đã đọc được luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và về vấn đề thuộc địa và hiểu rằng, đó chính là con đường đấu tranh giải phóng cho nhân dân Việt Nam. Tháng 6/1923, Bác đã lần đầu đặt chân đến nước Nga, để rồi từ đó tiếp thu ánh sáng của học thuyết Mác-Lênin và ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do.

Sau lễ đặt hoa, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã thăm Viện Hồ Chí Minh-Khoa Phương Đông-Đại học Tổng hợp S.Peterburg. Đồng chí bày tỏ sự trân trọng khi đây là nơi duy nhất trên thế giới có Viện nghiên cứu về Hồ Chí Minh, ngoài Việt Nam. Đồng chí đã đề nghị Giám đốc Viện Hồ Chí Minh, ông V.N Kolotov lên kế hoạch để trong vòng 5 năm tới, mời lần lượt các giảng viên của Viện đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh-thành phố mang tên Bác, thăm quê hương Nghệ An của Bác và thăm Hà Nội, nơi Người đã sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.

Đồng chí Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng đã mời Hiệu trưởng trường Đại học S.Peterburg Nikolai Kropachev tới thăm Hà Nội, thăm nơi ở của Bác trong những năm tháng cuối đời. Đích thân đồng chí sẽ kể cho ông hiệu trưởng thêm nhiều câu chuyện về tuổi thơ, gia đình, thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ, mà tất cả đều đã được viết thành sách.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Bác.

Trước đó, cũng trong sáng 19/5, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc gặp với Hiệu trưởng trường Đại học S.Peterburg Nikolai Kropachev và chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa trường ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và ĐH tổng hợp S.Peterburg.

95 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác đặt chân đến S.Peterburg, đến nước Nga, mối quan hệ hữu nghị, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai đất nước được Bác đặt nền móng, đang được các cấp chính quyền, nhân dân Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục trân trọng giữ gìn và phát triển./.