Năm nào cũng vậy, đã thành thông lệ, cứ dịp Tết đến Xuân về, Lãnh sự quán Việt Nam ở Quảng Tây (Trung Quốc) lại tổ chức một buổi tụ họp đầm ấm với tên gọi Tết cộng đồng và mời đại diện bà con đang làm ăn sinh sống tại Quảng Tây về dự.
Mỗi người một số phận, người thì lưu lạc sang đây từ tấm bé, người lại do hoàn cảnh gia đình phải bỏ xứ ra đi, người thì sang học tập rồi ở lại lấy chồng, lấy vợ… rồi lập nghiệp ở nơi đất khách quê người. Thế nhưng, trong câu chuyện với chúng tôi, tất cả họ đều chung một tâm sự, một lòng hướng về quê hương.
Bà Đỗ Thị Vé |
Ngồi lặng một chỗ, đôi mắt ngân ngấn nước, bà Vé chăm chú nghe từng giai điệu bài hát của các cháu sinh viên biểu diễn trên sân khấu, những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, những giai điệu ngọt ngào mà lâu lắm rồi bà không được nghe.
“Nhớ lắm, bao nhiêu năm tôi không được ăn Tết ở quê rồi. Bên này thì có tục lệ là phải ăn Tết trong gia đình chồng, ngoài Tết thì mới về ngoại”- bà Vé tâm sự.
Tết cộng đồng, được gặp hàng trăm người Việt cùng tâm trạng xa quê, dù lạ, dù quen, chị cũng đều ra bắt chuyện, hỏi han cuộc sống, nhận thêm thông tin từ quê nhà. Từ việc đồng bào ở quê phải hứng chịu những đợt bão lụt gây thiệt hại nặng nề, tới những đổi thay ở quê hương… Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng khiến chị háo hức cả năm chỉ để chờ đến ngày được dự Tết cộng đồng cùng bà con kiều bào ở Quảng Tây.
Mong ước lớn nhất của chị là đến cuối đời được về thăm quê: “Tôi nhớ quê lắm và cũng muốn về quê nhưng không có điều kiện để về. Vì thế, tôi rất mong chờ để được sum vầy trong Tết cộng đồng, để cùng bà con xa quê trò chuyện cho vơi đi nỗi nhớ quê hương”.
Tết Cộng đồng tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, |
Với những người lớn tuổi như chị Hiền, chị Bé, chị Hà, ngày Tết nhớ quê trong nước mắt. Nhưng với những người Việt trẻ tuổi ở Quảng Tây, mỗi dịp Tết đến nếu không có điều kiện về thăm quê, họ cũng vẫn có cách để nhớ về quê nhà bằng việc rủ chồng con gói bánh chưng, chuẩn bị những món ăn mang đậm hồn quê.
Bùi Thúy Vân, 28 tuổi, quê Thái Bình, là một trong số các cô dâu Việt hiện đại ở Quảng Tây cho biết, tuy chồng cô là người Trung Quốc nhưng anh rất hiểu và chiều vợ, dù với người Trung Quốc, Tết là phải ăn Tết ở nhà chồng, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn chủ động tổ chức cho cả nhà về ăn Tết ở quê vợ.
“Nhà tôi Tết vẫn sang Việt Nam để được nghỉ ngơi. Mỗi khi về Việt Nam là tôi cho con hòa nhập hoàn toàn với không khí Tết ở Việt Nam, được gói bánh chưng, được đi chúc Tết, được đi thăm hỏi từng nhà”- chị Vân chia sẻ.
Nói Vân là cô dâu Việt “hiện đại” bởi lẽ, khác với chị Bé, chị Hiền… do số phận run rủi phải xa quê hương lấy chồng xứ người, cuộc sống hiện tại là do Vân lựa chọn. Hết phổ thông, Vân quyết định sang học tại Đại học Quảng Tây, rồi ở lại mảnh đất này lấy chồng, lập nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương (thứ nhất từ trái qua) nhận chứng nhận có nhiều đóng góp cho cộng đồng của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc |
“Ngay từ khi bắt đầu từ khi đẻ ra con ra, mà chính xác là từ khi ở trong bụng mẹ, tôi đã mua sách tiếng Việt về đọc cho con nghe, sau đó đến khi đẻ ra thì cứ nói tiếng Việt, con có hiểu hay không là việc của con, mẹ cứ nói. Trẻ con học rất nhanh, đến 2 tuổi con tôi nói được cả 2 thứ tiếng Trung và Việt”.
Nhưng dù đã ổn định cuộc sống ở xứ người nhưng nỗi nhớ quê là những trải nghiệm không hề dễ dàng đối với những người Việt mà chúng tôi đã gặp ở Quảng Tây. Ăn Tết ở xứ người mà trong lòng không nguôi nhớ Tết Việt Nam. Ở quê người, họ vẫn nhớ quê cha, trong niềm vui và cả nước mắt, nhất là khi Xuân đến Tết về./.
Phở “Tiến sĩ Việt”: Gắn kết tình thân thực khách Việt-Trung
Tổng Lãnh sự VN tại Nam Ninh: “Bảo hộ công dân là nhiệm vụ trọng tâm“