Thầy Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam ở Quế Lâm, Quảng Tây (Trung Quốc) hồ hởi khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.
Hơn 7 làm Giám đốc Nhà kỷ niệm và có cả thập kỷ đi sưu tầm các kỷ vật, hình ảnh… ghi lại những năm tháng học tập không thể nào quên của thế hệ học sinh Việt Nam những năm 50-60 của thế kỷ trước, thầy Nguyễn Trung Nguyên không nhớ nổi mình đã sang Việt Nam bao nhiêu lần.
Thầy Nguyễn Trung Nguyên (ảnh phải), Giám đốc Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam ở Quế Lâm, Quảng Tây (Trung Quốc) |
“Người Việt Nam rất hiếu khách, tiếp đón tôi rất nhiệt tình. Khi nghe tôi nói là họ Nguyễn, thì mọi người đều ồ lên “anh là người Việt Nam rồi” và từ đó câu chuyện giữa chúng tôi không còn khoảng cách. Bản thân tôi cũng thấy mình như một người Việt Nam thực sự vì mỗi lần chuẩn bị sang Việt Nam, tôi luôn có cảm giác mong ngóng như sắp về quê”- thầy Nguyên tâm sự.
Mỗi năm thầy Nguyễn Trung Nguyên đều ít nhất vài lần sang Việt Nam, nghe thấy ở đâu có kỷ vật của các học sinh thế hệ đầu tiên của trường Dục Tài là thầy lại lên đường. “Sang Việt Nam tôi phải đi nhiều nơi như đến các trường học, thư viện, viện bảo tàng… từ Nam ra Bắc để tìm các hiện vật nhưng được mọi người nhiệt tình giúp đỡ”.
Trước khi khánh thành Nhà kỷ niệm vào đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 – 18/1/2010), thầy Nguyên đã sưu tầm được khá nhiều kỷ vật quý. Vì chưa có chỗ trưng bày nên nhà trường để gọn vào một chỗ, không may bị mấy chị lao công dọn hết ra bãi rác vì tưởng đồ cũ bỏ đi. Thầy Nguyên mất ăn mất ngủ cả tuần để liên hệ, chạy đi chạy lại các nơi tìm kiếm, thu thập. “Mỗi kỷ vật đều là một phần của cuộc sống của tôi nên khi đó tôi rất hoang mang, lo lắng. Cũng may là mọi người giúp đỡ nên cuối cùng chúng tôi cũng thu thập lại được gần hết số kỷ vật bị thất lạc”.
Thầy Nguyên kể về "Nhà ăn 5 tốt" dành cho học sinh Việt Nam những năm 50-60 của thế kỷ trước |
Thầy Nguyên nhớ mãi một lần đi sưu tầm kỷ vật ở miền Nam. Lần ấy, thầy rất phấn khởi vì đã tìm được người đang lưu giữ chiếc cốc gắn bó với các thế hệ học sinh trường Dục Tài những năm 50-60. Khi thầy đến nhà và dự định xin lại chiếc cốc đem về trưng bày trong Nhà kỷ niệm, nhưng nhìn thấy chủ nhà nâng niu, gìn giữ chiếc cốc như báu vật, ông lại không dám mở lời. Cuối cùng ông chỉ dám xin chụp lại hình ảnh chiếc cốc mang về.
“Có nhiều những chuyến đi như thế, nhưng tôi không cho rằng đó là thất bại mà ngược lại, là những kỷ niệm sâu sắc. Tôi cũng hiểu rằng những kỷ vật đó quý giá với họ như thế nào, nó nhắc nhớ về một thời đầy gian khó nhưng cũng là một giai đoạn để trưởng thành, trở thành kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời mỗi người”- thầy Nguyên chia sẻ.
Mỗi kỷ vật đều gắn bó với những kỷ niệm sâu sắc |
Tính đến nay, số kỷ vật, hình ảnh mà thầy Nguyên cùng các thầy cô trong Nhà kỷ niệm sưu tập đã được khoảng con số 1.000. “Mỗi kỷ vật không chỉ gắn với những kỷ niệm đáng nhớ của các học sinh, sinh viên Việt Nam từ những năm 50-60 của thế kỷ trước mà lưu lại những kỷ niệm, truyền thống tốt đẹp về mối quan hệ giữa 2 nước, rất có ích cho học sinh 2 nước tìm hiểu về giai đoạn lịch sử đầy ý nghĩa này. Vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các kỷ vật và dự kiến sẽ mở rộng nhà kỷ niệm thêm 2 khu để trưng bày”- thầy Nguyên tự hào./.
Xúc động những kỷ vật Việt Nam xuyên thế kỷ trên đất bạn Trung Quốc