Campuchia là một trong những thị trường đầu tư lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Đầu tư của Việt Nam đang đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển và duy trì tăng trưởng ổn định của Campuchia.
Từ nhiều năm qua, hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Campuchia với tổng số vốn gần 3 tỷ USD để xây dựng và phát triển gần 200 dự án. Số dự án này đã góp phần đáng kể trong thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Campuchia, đặc biệt là xây dựng tình hữu nghị đoàn kết bền vững giữa Chính phủ và nhân dân 2 nước.
Thương hiệu Việt gắn với sự tin yêu của người Campuchia
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một trong số các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn vào Campuchia.
Trong nhiều năm hoạt động, BIDC đã phát triển được 9 chi nhánh với tổng số người lao động khoảng 360 người. Hàng năm BIDC đóng thuế cho nhà nước Campuchia khoảng 1 triệu USD và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có tiềm năng và tăng trưởng cao tại Campuchia.
“Đến thời điểm này BIDC có tổng tài sản 760 triệu USD và nằm trong top 10 ngân hàng lớn nhất ở Campuchia”, ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc BIDC cho biết. “Hoạt động kinh doanh của BIDC trong hơn 7 năm qua có sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ 2 nước đặc biệt là sự hỗ trợ của Sứ quán và thương vụ tại Campuchia”.
Angkomilk cũng là một công ty sản xuất và chế biến sữa lớn do Vinamilk liên doanh với một doanh nghiệp Campuchia.
Ông Đoàn Quốc Khánh, giám đốc công ty Angkomilk cho biết, năm 2014 Vinamilk phối hợp với một đối tác ở Campuchia đầu tư 23 triệu USD để xây dựng Công ty sản xuất sữa Angkomilk, trong đó 51% là vốn của Vinamilk. Đây là công ty sản xuất sữa đầu tiên tại Campuchia, thị trường rộng nên đi vào hoạt động rất thuận lợi. Sau khi công ty đi vào hoạt động ổn định năm 2016 vừa qua, doanh thu công ty đạt 12,6 triệu USD, tăng 10% so với năm 2015.
Hiện sản phẩm của Angkomilk đã có mặt tại khắp các tỉnh thành trong cả nước. Do sản xuất kinh doanh có hiệu quả nên đầu năm 2017 này Vinamilk đã mua hết số cổ phần còn lại từ phía đối tác.
“Chúng tôi có những thuận lợi là công ty Angkomilk là công ty sản xuất sữa đầu tiên tại Campuchia”, ông Đoàn Quốc Khánh cho biết thêm. “Thứ hai là toàn bộ quy trình, công thức và dây chuyền công nghệ vinamilk đạt quy chuẩn của Quốc tế”.Doanh nghiệp Việt Nam góp phần phát triển nông nghiệp Campuchia
Cao su cũng là một trong lĩnh vực đầu tư quan trọng của Việt Nam tại Campuchia.
Hiện có khoảng 48 công ty cao su liên doanh của Việt Nam và Campuchia được Chính phủ Campuchia giao hơn 200.000 ha đất để trồng cao su tại 7 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Đến nay đã có 6 công ty đang bước vào giai đoạn thu hoạch với tổng diện tích khoảng 10.000 ha.
Ông Leng Rithy, Trưởng đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam tại Campuchia cho biết trung bình các công ty cao su Việt Nam tại Campuchia sử dụng khoảng 15.000 lao động. Nhưng khi đến năm thu hoạch nhu cầu sử dụng lao động càng tăng cao hơn. Trước đây các lao động nông thôn thường bỏ xứ đi tìm việc làm, nay các lao động này đã có việc làm ngay tại quê hương của mình.
“Gần đây, một số người dân từng đi làm ở Thái Lan nay không đi nữa mà ở lại quê để vào công ty cao su làm”, ông Leng Rithy cho biết. “Đây là một tác động rất tốt đối với Campuchia”.
Doanh nghiệp Việt – cầu nối của 2 nước
Các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty liên doanh Việt Nam - Campuchia không những đóng thuế đầy đủ cho nhà nước Campuchia mà còn đóng góp vào quỹ phúc lợi xã hội để các địa phương nơi doanh nghiệp dứng chân xây dựng các công trình phúc lợi công cộng tại địa phương như đường giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học và khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Nhờ vậy nên các doanh nghiệp Việt Nam luôn được các cấp chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao.
Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng văn phòng đại diện của Hiệp Hội các nhà đầu tư sang Campuchia (AVIC) cho biết, có được kết quả này cũng là nhờ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất tại Campuchia luôn phối hợp chặt chẽ với nhau trong giải quyết khó khăn. Từ việc tìm hiểu về pháp luật Campuchia, vốn đầu tư đến việc tuyển chọn đào tạo và sử dụng lao động đều được các doanh nghiệp trao đổi nhau thông qua Hiệp hội này nên mang lại hiệu quả rất cao.
Hoạt động của các doanh nghiệp thuộc hiệp hội AVIC rất đa dạng trên các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng viễn thông, nông nghiệp, khai khoáng”, ông Nguyễn Quang Huy nói. “Hoạt động của AVIC từ năm 2009 đến nay đã góp phần trong thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Campuchia”.
Ông Thạch Dư, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đơn thuần đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả tại Campuchia mà còn là cầu nối để Chính phủ 2 nước Việt Nam và Campuchia thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án lớn của Chính phủ, góp phần xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết của nhân dân 2 nước.
Sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ ngành của Campuchia thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ được khó khăn và hoạt động mang lại hiệu quả, đóng góp thiết thực vào ngân sách nhà nước cũng như giải quyết vấn đề an sinh xã hội tại Campuchia.
Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đến hết năm 2016, Việt Nam có 183 dự án với 2,85 tỷ USD Mỹ vốn đăng ký đầu tư tại Campuchia. Việt Nam tiếp tục nằm trong top 5 nước có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 3 tỷ USD. Hai nước phấn đấu nâng kim ngạch song phương lên con số 5 tỷ USD trong những năm tới./.Xây dựng trường học trên Biển Hồ, Campuchia cho con em Việt kiều