Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, nhiều người dân Cơ Tu Tây Giang (Quảng Nam) không cầm được nước mắt, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo của những người già và má hồng non nớt của những đứa trẻ đang tuổi cắp sách đến trường. Hình ảnh Bác Hồ, Bác Giáp luôn hiện hữu trong lòng họ và trên bàn thờ trang trọng của mỗi gia đình lại ấm áp hương nhang để tỏ lòng nhớ thương đến hai con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

anh-vieng-2.jpg

Đồng chí Bhơriu Liếc – UV dự khuyết TW Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang đọc điếu văn.

Viếng Bác Giáp với cả tấm lòng…

Như bao địa phương khác trong cả nước, người dân Tây Giang cũng dành rất nhiều tình cảm xúc động với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe tin Đại tướng qua đời, các cơ quan, đơn vị đều thực hiện treo cờ rủ, ngừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí trên địa bàn huyện, thường xuyên theo dõi thông tin đại chúng để thu thập thông tin về Lễ Quốc tang Đại tướng. Mặc dù ngày chủ nhật tiễn đưa Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình song người Cơ Tu Tây Giang từ các cháu học sinh cho đến các cụ già đều có mặt tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nghẹn ngào, xúc động trước hình ảnh Bác Giáp, anh hùng LLVT nhân dân C’lâu Nâm (thôn Pr’ning, xã Lăng) bày tỏ: đồng bào Cơ Tu trên dãy Trường Sơn này luôn trân trọng công lao to lớn của Bác, nếu không có công lao của Người thì người Cơ Tu cũng không thể có được ngày hôm nay. Người Cơ Tu luôn nhớ mong Bác, mong muốn được gặp Bác, nhưng giờ thì Bác đã ra đi vĩnh viễn…

Đông đảo quần chúng nhân dân tham gia lễ viếng và truy điệu Đại tướng

Trong hàng trăm người đến viếng Bác, có nhiều học sinh đến từ các trường học trên địa bàn huyện đã có mặt từ sáng sớm. Không quản ngại đường sá xa xôi, các thầy cô đều dẫn học trò của mình đến xếp hàng ngay ngắn, quần áo chỉnh tề đứng trang nghiêm mà nét mặt ai nấy cũng đều ngân ngấn giọt lệ. Em Alăng Thị Thùy, học sinh lớp 9, trường nội trú dân tộc huyện Tây Giang xúc động cho biết: Học môn lịch sử, em đã biết đến Bác Giáp, biết đến những công lao to lớn của Đại tướng với dân tộc Việt Nam. Nghe tin Bác mất em thấy rất xúc động và thấy mình càng có trách nhiệm hơn trong việc học tập để xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ, Bác Giáp.

Đa số học sinh đi dự lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường UBND huyện Tây Giang đều nhận thức như em Alăng Thị Thùy. Khi nghe đồng chí Bhơriu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang khái quát thân thế và sự nghiệp của Đại tướng, nhiều người đã không kìm được nước mắt và ngay cả đồng chí Bí thư cũng nghẹn lời. Công lao to lớn của Đại tướng với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trong đó có con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua địa bàn huyện Tây Giang vô cùng to lớn. “Trước anh linh của Đại tướng, thay mặt quân và dân huyện Tây Giang, tôi hứa sẽ tiếp tục xây dựng huyện Tây Giang thoát nghèo, thực hiện tốt chủ trương Xây dựng nông thôn mới của Chính phủ”, đồng chí Bhơriu Liếc hứa trước di ảnh của Đại tướng.

Ông Cơlâu Nâm tổ chức viếng hương Bác Hồ và Bác Giáp ngay tại nhà sàn tộc họ Cơlâu.

Viếng Bác Giáp phải có Bác Hồ !

Những ngày này, trên ban thờ nhà ông Alăng Bhuốch (xã Bhalêê) luôn nghi ngút làn khói hương thơm ngát. Đôi mắt mù, tuổi đã cao nhưng ông vẫn đều đặn sang, chiều thắp nhang tưởng nhớ Bác Hồ, bác Giáp. Ông không tham gia được lễ viếng Bác Giáp ở trụ sở UBND huyện, thay vào đó ông tự thắp nhang để tỏ lòng tôn kính hai vị anh hùng của dân tộc.

Rơm rớm nước mắt khi nói về Bác Giáp, ông nói: hưởng ứng lời kêu gọi vì miền Nam, dù mù đôi mắt nhưng tôi vẫn tham gia dân công vận chuyển hàng cho miền Nam, mỗi lần gùi hàng bên tai lúc nào cũng nghe lời hai Bác “giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”; vậy mà hôm nay, Bác Giáp cũng đi theo Bác Hồ, tôi không có ảnh Bác Giáp nhưng viếng Bác Giáp cũng phải viếng Bác Hồ, vì hai con người đó có cùng một ý chí, một nhân cách…

Vợ chồng anh hùng Alăng Bhuốch xúc động khi nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Cơlâu Nâm cũng như ông Alăng Bhuốch, cả hai đều là anh hùng LLVT nhân dân, mỗi lần thắp nén nhang trên bàn thờ Bác Hồ, các ông đều cầu “Giàng” phù hộ cho hai vị an nghỉ nơi suối vàng. Với người Cơ Tu, hai Bác đều sống trong lòng đồng bào, từ khi Đảng mới thành lập, nhiều người Cơ Tu đã biết đến Bác Hồ và Bác Giáp, từ đó một lòng quyết theo Đảng. Người dân trong làng lần lượt đến thắp những nén nhang để tưởng nhớ đến hai con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của người Cơ Tu, nhiều người đã khóc…

Với mỗi người Cơ Tu, Đại tướng có một vị trí rất riêng! Có người ngưỡng mộ ông vì tài năng quân sự kiệt xuất, người khác thần tượng ông bởi tầm hiểu biết sâu rộng hiếm thấy, hoặc vì nhân cách vĩ đại. Người coi ông như biểu tượng tốt đẹp của dân tộc, nhưng có người lại thấy ông gần gũi như người anh, người cha, người ông của gia đình. Bởi thế, mỗi người sẽ có những cách rất riêng để tưởng nhớ ông, để nỗi đau được dịu bớt. Sẽ có những người soi mình trong ông để thấy mình có thể làm gì đó cho một tương lai tươi sáng hơn. Và dường như, cả dân tộc đang sát lại gần nhau vì những điều tốt đẹp chung ấy.

Đối với người con Tây Giang, Đại tướng ra đi là tổn thất lớn. Biến đau thương thành hành động, người Cơ Tu Tây Giang nguyện một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ và noi gương Đại tướng, xây dựng huyện Tây Giang thêm giàu đẹp./.