Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức tại Nga, thu hút sự tham dự của các nhà Việt Nam học, các bạn sinh viên Nga học tập và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam tại các trung tâm đào tạo danh tiếng trên toàn Liên bang Nga.
Cuộc thi được tổ chức với sự hỗ trợ của Trung tâm ASEAN thuộc Đại học Ngoại giao (MGIMO) - Bộ Ngoại giao Nga, Hội Hữu nghị Nga-Việt, Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga - Việt “Truyền thống và Hữu nghị”.
Tới dự sự kiện có sự hiện diện của Đại diện Bộ Ngoại giao Nga, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, sự hiện diện của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã và đang công tác tại Nga và Việt Nam, đại diện các trung tâm đào tạo tiếng Việt (MGIMO, MGU, trường Ngôn ngữ)…
Cuộc thi được tổ chức theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của gần 20 sinh viên hệ cử nhân và thạc sỹ đang học tập, nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam tại các trường đại học của Nga.
Tham gia cuộc thi, các bạn thí sinh sẽ phải trải qua 4 phần thi, bao gồm dịch xuôi và ngược sau khi nghe hai lần một cụm từ, dịch xuôi và ngược sau khi có 1 phút đọc một đoạn văn bản trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao.
Ông Đỗ Xuân Hoàng - Chủ tịch Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga - Việt “Truyền thống và hữu nghị”, thành viên Ban tổ chức cho biết: “Cuộc thi lần này rất có ý nghĩa bởi vì đây là lần đầu tiên có một cuộc thi dành cho các phiên dịch viên người Nga học và nghiên cứu tiếng Việt. Bên cạnh ý nghĩa về mặt học thuật, cuộc thi cho thấy sự quan tâm của người Nga nói riêng, quốc tế nói chung đối với tiếng Việt”.
Ông Hoàng khẳng định Quỹ đã, đang và sẽ tích cực ủng hộ cho những hoạt động tương tự, coi đây sự đóng góp thiết thực vào việc củng cố sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và LB Nga, giữa nhân dân hai nước.
Bạn Konstantin sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moscow tham gia cuộc thi chia sẻ: “Cuộc thi này thực sự rất ý nghĩa. Những người tham gia có cơ hội nâng cao trình độ hiểu biết, vừa có thể kiểm tra kiến thức về ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Cuộc thi giúp kết nối, làm quen với những người nghiên cứu tiếng Việt. Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều người học tiếng Việt và nghiên cứu về văn hóa Việt Nam”.
Sau cuộc thi là thảo luận bàn tròn về "Lý thuyết và thực hành dịch từ tiếng Việt". Tại đây, các nhà phiên dịch chuyên nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm thiết thực liên quan dịch thuật tiếng Việt, đặc biệt là kinh nghiệm sử dụng tiếng Việt trong hoạt động thực tế, đặc điểm của hoạt động phiên dịch khi làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao; vai trò phiên dịch quân sự trong hoạt động thực tiễn; kinh nghiệm nghiên cứu tiếng Việt dịch thuật./.