Bom đạn, chết chóc và xung đột vẫn nổ ra hàng ngày, hàng giờ ở nhiều nước Trung Đông. Điều đó càng khiến cho bà con cộng đồng người Việt ở Ai Cập càng trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và thống nhất. Phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, bà con trong cộng đồng luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau phát triển và dù ở đâu, làm gì họ vẫn luôn hướng về Tổ quốc.
Cộng đồng người Việt tại Ai Cập chỉ khoảng vài chục gia đình, sống ở các thành phố khác nhau nhưng rất gắn bó và đoàn kết. Vì thế ai có chuyên vui, chuyện buồn mọi người đều cùng nhau chia sẻ và giúp đỡ. Do phần lớn là các chị em người Việt lấy chồng Ai Cập lại là đất nước Hồi giáo nên bị phụ thuộc rất nhiều, nhất là kinh tế khi không đi làm hoặc nếu có đi làm thì cũng gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo. Chính vì vậy, tình thương yêu và đùm bọc giữa các chị lại càng lớn hơn.
Như chị Hoàng Thị Lan gia đình hoàn cảnh khó khăn phải chạy ăn từng bữa nên chị em trong cộng đồng đã nhiều lần giúp đỡ từ vật chất lẫn tinh thần. Sự yêu thương đó khiến chị cảm thấy cộng đồng tại Ai Cập như chính gia đình mình.
Chị Hoàng Thị Lan tâm sự: “Khi tôi gặp chuyện buồn, bố mẹ mất, mọi người đã đến hỏi thăm và giúp đỡ tiền để tôi có thể về nhìn bố mẹ lần cuối. Nhưng cuộc sống éo le, giấy tờ và hoàn cảnh nên tôi không thể về nhìn bố mẹ lần cuối. Thế nhưng mà cái sự quan tâm của mọi người ở đây rất tốt. Mình đi nước ngoài hoàn cảnh như vậy mà được mọi người quan tâm giúp đỡ tận tình đó là điều cảm động mà tôi không bao giờ quên”.
Cùng cảnh phận thuyền theo lái, chị Bùi Thu Huyền suy nghĩ như cuộc sống của mỗi chị em trong cộng đồng vẫn còn may mắn hơn nhiều người ở Ai Cập hay Việt Nam. Và dù trong hoàn cảnh nào, các chị vẫn luôn phát huy tình thần chịu thương, chịu khó và đoàn kế của người Việt Nam. Vì vậy dù kinh tế không khá giả là mấy nhưng chị Huyền đã lập có một “quỹ riêng” để khi ai có hoàn cảnh khó khăn, ai cần thì giúp đỡ.
Chị Bùi Thu Huyền chia sẻ: “Trong cuộc sống hiện nay tại Ai Cập, chúng tôi vẫn luôn đoàn kết nhau, giúp đỡ nhau. Tiếp tục truyền thống lá lành đùm lá rách, chúng tôi thường chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn hơn. Cảm xúc đầu tiên của tôi đó là tự hào dân tộc. Tôi may mắn được sinh ra năm 1975 thống nhất đất nước và sống trong nền hòa bình”.
Cũng giống như chị Huyền, chị Phạm Gia Linh may mắn được sinh ra khi đất nước đã thống nhất chính vì thế chị càng trân trọng những giá trị to lớn của hòa bình và hiểu được giá trị của sức mạnh đoàn kết. Vì vậy, chị luôn luôn gắn kết chị em để cùng nhau xây dựng cộng đồng đoàn kết và yêu thương.
Chị Phạm Gia Linh nói:“Cho dù đi đâu, làm gì chúng tôi luôn đau đáu hướng về Tổ quốc. Mừng với những thành tựu mà đất nước đạt được, đau với những khó khăn, thiên tai mà đất nước phải trải qua như thiên tai, lụt lội. Thế nên trong cộng đồng, mặc dù là cộng đồng nhỏ nhưng chúng tôi luôn luôn nhớ tới truyền thống là lành đùm lá rách, nhất là các dịp lễ ví dụ lễ của Ai Cập chúng tôi làm tự thiện và giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn thể hiện tinh thần đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau”.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, cộng đồng người Việt Nam ở Ai Cập lại càng thấy tự hào về truyền thống đoàn kết dân tộc. Bởi đó là sức mạnh làm nên chiến thắng 30/4/1975. Họ tin rằng với tinh thần đoàn kết Việt Nam sẽ làm nên những chiến thắng mới trong thời kỳ hội nhập phát triển ngày nay trong đó vai trò của bà con Việt kiều góp một phần không nhỏ./.