Từ sáng sớm, đông đảo Phật tử, bà con kiều bào đã có mặt trong khuôn viên nhà chùa để tham dự buổi lễ cầu an do thượng tọa Thích Minh Quang chủ trì. Lễ cầu nguyện Quốc Thái Dân An, chúng sinh an lạc nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, khát vọng phát triển và sự hanh thông trong dịp đầu năm mới là truyền thống văn hóa tâm linh là nhu cầu của mỗi người Việt Nam.

Thượng toạ Thích Minh Quang, Trưởng Ban Điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào, Trụ trì chùa Phật Tích thủ đô Vientiane chia sẻ về ý nghĩa tốt đẹp của ngày Rằm tháng Giêng, là nét văn hóa truyền thống từ lâu đời của người Việt.

“Bà con cộng đồng người Việt Nam, chư tăng ni, phật tử đều lên chùa làm lễ, trước là lễ Phật, sau là cầu cho Quốc Thái Dân An, cầu cho mọi người được bình an trong cả một năm. Đó văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam tại Lào đã trải qua nhiều năm nay”. 

Dưới sự hướng dẫn của Thượng toạ Thích Minh Quang, các tăng ni, phật tử đã thực hiện lễ cầu quốc thái dân an với mong ước tất cả tăng ni phật tử trên toàn thế giới nói chung, tại Việt Nam và tại Lào nói riêng gặp nhiều may mắn trong năm 2022. Thượng toạ Thích Minh Quang mong bà con phật tử phát huy lòng từ bi bác ái, đoàn kết hơn nữa và tiếp tục hỗ trợ công tác phật sự của nhà chùa, hướng về quê hương đất nước.

Nhân sự kiện này, chùa Phật Tích tại thủ đô Vientiane cùng các nhà hảo tâm đã trao tặng gần 200 phần quà là nhu yếu phẩm có tổng trị giá khoảng 60 triệu đồng cho bà con có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại thủ đô Vientiane nhằm chia sẻ, động viên bà con nhân dịp đầu năm mới.

Được khánh thành cuối năm 2010 với diện tích hơn 2.000 m2, chùa Phật Tích luôn là niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Lào bởi lối kiến trúc mang đậm nét tâm linh Việt. Ngôi chùa được xây dựng trên tòa tháp 7 tầng, mỗi tầng tháp được đặt trang trọng một bức tượng Phật ngự trên đài hoa sen bình yên. Ở mỗi mái đao của tầng tháp là hình tượng tứ linh: long, lân, quy, phụng quen thuộc của người Việt. 

Hiện nay, chùa Phật Tích không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh quen thuộc của đông đảo người con đất Việt xa xứ trên đất nước Triệu voi, mà còn là nơi đoàn kết bà con cùng hướng về Tổ quốc thân yêu. Sâu xa hơn, chùa còn là nơi gìn giữ, bảo tồn bản sắc và quảng bá văn hóa của dân tộc Việt đến các nước trong khu vực cũng như trên thế giới./.