Đặc biệt, các cựu lưu học sinh Lào từng học tập tại Việt Nam và lưu học sinh Việt Nam tại Lào đã cùng nhau tham gia gói bánh chưng trong niềm vui xen lẫn sự xúc động.
Sắc xanh của lá dong, sắc vàng, trắng của đỗ và gạo cùng sắc đỏ của hoa đào, câu đối ngày Tết, hòa chung niềm hân hoan của mỗi người đang có mặt tại sự kiện đã khiến bà Sudala Chanthavithong, một cựu lưu học sinh Lào từng học tập tại Việt Nam cảm thấy vô cùng xúc động.
Bà Sudala cho biết, bà sang Việt Nam học từ năm 1969 và tốt nghiệp phổ thông năm 1979. Trong suốt những năm tháng học tập tại Việt Nam, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bà luôn nhận được giúp đỡ tận tình của người dân Việt Nam. Đối với bà, đất nước Việt Nam là quê hương thứ hai, gia đình Việt Nam là gia đình thứ hai.
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, bà lại nhớ về ký ức khi bà được tham gia nấu bánh chưng với người dân Việt Nam, đó là một nét văn hóa truyền thống hết sức tốt đẹp của người dân Việt. Chính vì vậy, được tham gia gói bánh chưng ngày hôm nay đã khiến bà cảm thấy rất xúc động bởi nó giúp bà sống lại với những ký ức tươi đẹp đó.
“Ngày trước chiến tranh rất ác liệt, nhưng khi ở với người Việt Nam chúng tôi không cảm thấy mình khổ, được ăn Tết với người dân Việt Nam. Hôm nay, các bạn cựu lưu học sinh Lào đến đây cũng cảm thấy rất vui và nhớ lại những ký ức khi còn học ở Việt Nam. Có thể nói, tình đoàn kết Việt – Lào đã gắn bó keo sơn từ xưa đến nay. Chúng tôi cũng mong muốn con cháu của mình sau này tiếp tục giữ gìn, vun đắp tình đoàn kết Việt-Lào như chính chúng ta giữ gìn con ngươi của đôi mắt” - bà Sudala chia sẻ.
Có thể nói, khoảng thời gian lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam cũng như lưu học sinh Việt Nam học tập tại đất nước Lào sẽ là khoảng thời gian đẹp nhất, bởi nơi đây đã khắc ghi những kỷ niệm đẹp nhất về tuổi thanh xuân. Những ký ức chân thành về mái trường, về đất nước, con người Việt Nam và Lào sẽ luôn được mỗi lưu học sinh giữ gìn, trân trọng như một minh chứng vun đắp cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, thủy chung, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.
Bà Thongmy Duongsacda, công tác tại Vụ Công tác Sinh viên, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào chia sẻ, hoạt động gói bánh chưng đã làm cho bà nhớ lại thời gian sang Việt Nam học tập từ năm 1972 – 1976, với bà Thongmy, đất nước Việt Nam gắn với rất nhiều kỷ niệm và đó là một cái duyên.
“Tôi rất có duyên với Việt Nam, được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Sau một thời gian làm việc, tôi đã được quay lại công tác ở Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, được tiếp xúc với các bạn Việt Nam, đó là những gì tốt đẹp nhất trong khoảng thời gian tôi sống ở Việt Nam. Tôi rất nhớ và thấy tình cảm gắn bó giữa hai đất nước ngày càng phát triển, bền vững nhất là trong lĩnh vực giáo dục” - bà Thongmy Duongsacda nói.
Là sinh viên năm dự bị tiếng tại Trường Đại học Quốc gia Lào, mới đặt chân sang Lào được 3 tháng còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng do đại dịch Covid-19 đã khiến em Nguyễn Văn Đô không thể trở về nhà đón Tết cùng gia đình, nhưng được sự quan tâm của Đại sứ quán và nhà trường đã khiến em vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương thông qua các hoạt động đón Tết.
"Được sự quan tâm của Đại sứ quán, Trường Đại học Quốc gia Lào đã tổ chức nhiều các hoạt động Tết, trong đó có gói bánh chưng đã làm cho em cảm thấy không khí Tết ở Lào như ở Việt Nam, làm vơi đi nỗi nhớ nhà nhớ quê hương” - Đô tâm sự.
Theo Ông Nguyễn Phúc Sinh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào cho biết, đây là hoạt động vừa để quảng bá văn hóa Việt Nam trên đất nước Lào, vừa tái hiện và giúp các cựu lưu học sinh Lào học tại Việt Nam từ những năm 1959 được cảm nhận lại không khí gói bánh chưng chuẩn bị đón chào năm mới theo văn hóa cổ truyền của người Việt.
Bên cạnh đó, những hoạt động như thế này còn giúp những người Việt xa xứ cùng nhau đoàn kết, góp phần bảo tồn, gìn giữ và tuyên truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong cộng đồng người Việt tại nước sở tại.
"Chương trình này với mong muốn đem lại không khí văn hóa Tết truyền thống của đất nước Việt Nam đến với bà con ở xa tổ quốc, cũng như tuyên truyền giới thiệu nét đặc trưng văn hóa của đất nước Việt Nam đến với bạn Lào” - ông Nguyễn Phúc Sinh nói./.