Ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có gần 400 hộ, trên 2.000 nhân khẩu. Người dân ở đây đa phần là đồng bào Chăm, trong đó có trên 350 chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Việc vận động chị em người dân tộc tham gia thực hiện kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) đã khó, thì đối với chị em tín đồ Hồi giáo lại càng khó khăn hơn nhiều. Thế nhưng, với ấp Chăm này, chị em đã thực hiện công tác KHHGĐ rất tích cực. Và người góp phần đưa công tác KHHGĐ hiệu quả phải kể đến chị Mariyah, cộng tác viên dân số tiêu biểu ở đây.

Về ấp 4, hỏi đến chị Mariyah không ai là không biết. Năng nổ trong công việc, hoạt bát trong giao tiếp, hòa đồng với mọi người là những gì chúng tôi cảm nhận được ngay lần đầu gặp chị. Và chúng tôi còn ngỡ ngàng hơn khi được biết những thành tích của chị trong vận động chị em thực hiện KHHGĐ... Tham gia công tác phụ nữ và làm cộng tác viên (CTV) dân số từ năm 2001, đến nay, chị đã vận động được 50 ca đình sản, trong đó có 2 ca đình sản nam và trên 120 người sử dụng các biện pháp tránh thai; vận động chị em đến sinh đẻ tại trạm xá. 

dong-nai-1.jpg
Cộng tác viên tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình đến người dân Đồng Nai (Ảnh: báo Đồng Nai)

Chị Mariyah cho biết: “Quá trình tham gia công tác dân số lúc đầu gặp nhiều khó khăn, vì đa phần bà con ở đây là người Chăm Hồi giáo. Tôi là người Chăm nên cũng gặp nhiều trở ngại khi vận động chị em đình sản. Vì vậy, tôi phải khéo léo giải thích cho chị em hiểu được sự bất lợi của việc sinh nhiều con. Bây giờ đất chật, người đông, sinh nhiều con lấy đất đâu cho các con ở. Vả lại con đông, mình cũng không có đủ điều kiện, thời gian để chăm sóc, cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Gặp chị em ở đâu tôi cũng giải thích. Nói nhiều chị em cũng thấu hiểu và làm theo”.

Bây giờ chị em trong ấp đã nhận thức đầy đủ hơn về việc nuôi dạy con cái và tích cực tham gia các buổi giao lưu, sinh hoạt do Hội Phụ nữ phát động. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và sự khéo léo của mình, đa số chị em ở ấp 4 đã hiểu lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ.

Chị Ami Nah, người có tới 7 con, nay đã thực hiện đình sản cho biết: “Trước kia gia đình khó khăn lắm, nhờ chị Mariyah vận động, tôi hiểu rõ được những khó khăn của việc sinh nhiều con và đã thực hiện đình sản. Bây giờ, đời sống gia đình tôi khá hơn trước nhiều. Lúc đầu nghe chị Mariyah vận động đình sản, tôi không bằng lòng, kiên quyết không đi. Nhưng nhờ chị Mariyah nhiều lần giải thích và tôi cũng thấy gia đình mình khó khăn, con cái đông, nuôi dạy khó khăn nên tôi quyết định đình sản”.

Công việc của một CTV dân số được chị em trong ấp ví von như người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng, bằng nhiệt huyết của mình, chị Mariyah đã vượt qua tất cả.

Chị Mariyah chia sẻ: “Làm công tác phụ nữ này không có lương bổng gì hết, nhưng tôi suy nghĩ, ngày xưa cha ông ta đã hy sinh xương máu để cho đất nước có được hòa bình như ngày hôm nay. Bây giờ thời bình, mình hy sinh một chút công sức cũng không sao. Vả lại, tôi cũng muốn người Chăm nơi đây biết vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng động đồng. Đây là những động lực khiến tôi tích cực trong công việc”.

Để làm tròn nhiệm vụ CTV dân số, chị Mariyah đã phải nỗ lực và hy sinh công việc riêng rất nhiều. Được sự động viên, khích lệ của người chồng, chị Mariyah như được tiếp thêm sức mạnh. Hàng ngày, ngoài việc mưu sinh bằng nghề may gia công, chị Mariyah đến từng nhà hội viên để vận động chị em về kế hoạch hoá gia đình. Với nhiều thành tích trong công tác, nhiều năm liền chị Mariyah được nhận bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai. Bà con người Chăm ấp 4 còn hãnh diện vì chị Mariyah hiện còn là đại biểu HĐND xã, ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 4./.