Ngày ấy cha tôi - ông Nguyễn Mạnh Cương, là một thành viên của Ủy ban điều tra tội ác đế quốc Mỹ của quân đội, do đại tá Hà Văn Lâu phụ trách và được biệt phái sang Bộ Ngoại giao. Ông đã lặn lội vào tuyến lửa Quảng Bình và nhiều vùng đất đang bị bom Mỹ dội xuống, để đưa những nạn nhân chiến tranh tiêu biểu trong ngàn vạn nạn nhân chiến tranh tại Việt Nam tới Tòa án quốc tế Stockholm, Thuỵ Điển năm 1967.
Phải đi đi lại lại rất nhiều lần, ông vượt qua rất biết bao hiểm nguy mới có thể đưa được các nạn nhân về căn hộ tập thể chật chội 9m2 của gia đình mình ở 151 đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), Hà Nội chờ ngày lên đường.
Mẹ tôi lúc đó đang làm việc tại Cục Vật tư của Bộ Y tế, một nách ba con nhỏ vẫn thường xuyên phải túc trực ở ga Hàng Cỏ để nhận hàng viện trợ là những thiết bị y tế, thuốc men. Nhiều chuyến đi của chồng vào tuyến lửa bà cũng không được chia tay, khi chồng về hai người cũng không kịp gặp gỡ.
Khi ông đưa các nạn nhân chiến tranh về nhà, bà thấy các nạn nhân người thì mất chân, mất tay, người thì hỏng mắt, mất tai… lòng se sắt thương tâm.
Ông Nguyễn Mạnh Cương (thứ 4 trái sang) cùng đoàn nhân chứng chiến tranh tại Stockholm |
Cuối cùng, cha tôi cũng chọn lựa được những nạn nhân điển hình để đưa tới hội nghị. Đó là 4 nhân chứng chiến tranh: Đỗ Văn Ngọc, năm đó mới 9 tuổi, quê Quảng Bình, rất khôi ngô tuấn tú, bị bom lân tinh cháy xém ngực, bụng, mất cả bộ phận sinh dục. Người thứ hai là Thái Bình Dân, 16 tuổi ở Long An, bị bom na-pan cháy sần sùi cả chân và tay, người cũng bị biến dạng.
Người thứ ba là Hoàng Tấn Hưng, 35 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, nạn nhân bom lân tinh; chân tay cháy xém, dính cả vào sườn, dị dạng, mất khả năng sinh hoạt. Nhân vật thứ tư gây xúc động khá nhiều ở phiên tòa quốc tế, là cô giáo Ngô Thị Nga, 19 tuổi, giáo viên cấp I ở Cẩm Phả; xinh xắn, thông minh, nhưng bị một viên bi của bom bi nằm trong đầu.
Trong đoàn đi còn có một nhân vật quan trọng là bác sĩ Nguyễn Cao Thâm của Bộ Y tế. Ông đã khá vất vả để chăm sóc các nạn nhân - nhân chứng đặc thù này. Đến Stockhom, đoàn 6 người đã ở nhờ nhà dân - gia đình chị Ann Bilinne và chồng là bác sĩ Gunnar Bilinne, Chủ tịch Hội sinh viên toàn quốc Thụy Điển.
Hôm đến tòa án, sau khi đại tá Hà Văn Lâu, Phó đoàn của Nhà nước lên báo cáo về tình hình tội ác của Mỹ ở Việt Nam trên hồ sơ và các tài liệu thì các luật sư và nhà báo đã rất chú trọng nội dung này, nhưng chưa hoàn toàn đủ sức chinh phục về mặt lý. Khi đoàn nhân chứng xuất hiện, cả hội trường lặng đi.
Lần lượt 4 nhân chứng được đưa lên, riêng cháu Ngọc vì còn nhỏ và yếu nên người phụ trách phải bế lên và xin phép tòa án cởi hết quần áo để tòa nghiên cứu kỹ. Cả tòa án rưng rưng, nhiều người khóc nức nở. Cháu bé hai mắt to mà thân thể bị tàn phá, đã bình thản trả lời gần 20 câu hỏi của tòa rất thông minh trôi chảy. Tiếp theo hai nạn nhân Dân và Hưng đã cho tòa thấy rõ loại hình tàn ác của bom na-pan, nhất là chất lân tinh ăn sâu vào xương tủy, các mô và tế bào.
Đến khi Ngô Thị Nga bước lên, trả lời 23 câu hỏi của tòa án rất dõng dạc, rõ ràng với giọng thu hút và với gương mặt trong sáng, xinh đẹp, trẻ trung, trang phục giản dị, đàng hoàng, thực sự đã gây ấn tượng với những người có mặt trong phiên tòa.
Cô kể khi cô đang dạy học, vào giờ ấy, ngày ấy, ở trường ấy - ngôi trường không dính dáng gì đến quân sự ở một làng quê hẻo lánh, thì bị bom. Cô nói đến viên bi trong đầu thì người ta quay luôn phim, thấy ngay viên bi nằm trong vùng chẩm cách 6 phân ẩn, và nạn nhân đứng lên, mắt mờ đi. Nhiều người khóc vì cảm kích trước vẻ trong sáng, thông minh của cô giáo trẻ mà đang phải đối mặt với cuộc sống quá mong manh.
Mỗi câu trả lời của cô vừa giản dị, vừa chứa đựng sức mạnh của con người và dân tộc Việt Nam trước công lý. Gần như cả hội trường nức nở vì đau xót trước những tội ác mà đế quốc Mỹ đã dội lên người dân lương thiện Việt Nam.
Khi quay về nhà bà Ann, bác sĩ Gunard đã kéo rất nhiều sinh viên đến liên hoan ăn mừng với đoàn nhân chứng. Bác sĩ Gunard nói: “Chúc mừng thành công của các bạn! Cực kỳ hay…”. Trong khi tòa án còn tiếp tục, năm cánh quân sinh viên và những người phản đối chiến tranh ở Việt Nam đã từ ngoại ô kéo vào khu trung tâm thành phố biểu tình với những khẩu hiệu: “Đế quốc Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam”, “Chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam”, “Chấm dứt chiến tranh tội ác ở miền Nam Việt Nam”. Tiếp đó, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở khắp các nước trên thế giới lên án cuộc chiến tranh bạo tàn của chủ nghĩa đế quốc…
Khi đoàn nạn nhân chiến tranh trở về Việt Nam, căn hộ chật hẹp của cha mẹ tôi tiếp tục là nơi tạm lưu trú. Thế rồi, những nhân chứng ấy cũng chia tay nhau trở về quê của mình. Giờ số phận họ ra sao, cũng không còn rõ nữa...
Sau này, cha tôi chuyển hẳn về Bộ Ngoại giao, là thành viên trong Đoàn đi Hội nghị Paris, có mặt trong Lễ ký kết Hiệp định Paris 27/1/1973. Cha tôi đã đi xa vào mùa hạ năm 2002. Ông đã giao lại cho tôi một số kỷ vật, trong đó có bức ảnh chụp đoàn nhân chứng chiến tranh tại Stockholm và bức thư của cô giáo Nga gửi cho ông sau khi trở về Cẩm Phả an toàn.
Những ngày qua, câu chuyện của cha tôi lại hiện về rõ nét. Tôi lần xem lại những kỷ vật như muốn nói: “Đấu tranh cho Hòa Bình không hề đơn giản, hãy quý lấy thành quả mà bao người đã hết lòng vì hai tiếng thiêng liêng ấy”./.