Ba Lan ngày 30 Tết cổ truyền Việt Nam (9/2 lịch tây) trời lạnh trung bình âm 3 độ C, những thảm tuyết trắng xóa vẫn còn dày trên lối đi nhưng trong các ngôi nhà của người Việt không khí ấm áp tràn ngập, mọi người quây quần bên bữa cơm tất niên.Có lẽ với bất kỳ người Việt Nam nào, mỗi độ Tết đến, cảm giác nôn nao, hồi hộp, thiêng liêng, phấn chấn khi được dự bữa cơm tất niên và cùng chờ đợi năm mới giữa những người thân yêu là cảm xúc rất khó quên.

Chính điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là những con người xa quê, xa xứ, đang sống cách chúng ta nửa vòng trái đất mỗi khi Xuân về. Dù không ngày nghỉ, nhưng tự nhiên, cứ đến ngày cuối năm, những người xa xứ ai cũng nôn nao một tâm trạng khó tả.

Chúng tôi được mời đến dự bữa cơm tất niên tại nhà anh Nguyễn Viết Quý ở Warsaw. Trong nhà mọi người trò chuyện rôm rả, không khí ấm cúng như ở quê nhà.

bua-com-tat-nien.jpg

Mâm cơm có đầy đủ hương vị, màu sắc bánh chưng, dưa hành, nem, thịt gà… Chị Kim Oanh- một người bạn của anh Quý cho biết: “Mấy chị em chúng tôi ra chợ, mua các nguyên liệu từ rất sớm rồi cùng nhau nấu các món ăn Việt Nam. Ở đây, mọi thứ đều được bà con nhập sang từ Việt Nam, nên mâm cơm rất đầy đủ”.

Theo anh Quý, năm nào cũng vậy, vào ngày cuối cùng của năm, cả gia đình anh gồm các anh em, họ hàng và một số bạn bè thân cùng sống tại Warsaw lại quây quần cùng nhau bên mâm cơm tất niên.“Không bày vẽ nhiều, nhưng mâm cơn tất niên của những người xa quê như chúng tôi cũng không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa hành, nem, thịt gà, măng mọc. Vì là bữa cơm xa nhà, nên không có đủ gia đình, chúng tôi thường tập hợp bạn bè- những người cùng sống và làm ăn trên nước bạn làm bữa cơm sum họp. Bữa cúng tất niên được coi như buổi “tổng kết năm”, chúng tôi nhìn lại những gì đã và chưa làm được trong năm qua để tiếp tục cùng nhau hợp tác làm ăn trong năm tới”- anh nói.

Sống ở Ba Lan, nhưng anh Quý không quên giáo dục con cái về truyền thống gia đình, tổ tiên. Trong ảnh: Cha con anh Quý cúng tất niên
Anh Quý cho biết, cộng đồng người Việt sống ở Warsaw có tới vài chục ngàn người, dù mải làm ăn buôn bán nhưng vào ngày cuối cùng của năm từng nhóm gia đình vẫn tụ tập làm bữa cơm tất niên sau đó đến chùa cùng đón giao thừa.

Nói về ý nghĩa của bữa cơm tất niên đối với bà con Việt kiều sống xa quê, Đại Đức Thích Đức Đạt- thành viên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hai năm sống tại Warsaw và hiện đang trụ trì tại chùa Nhơn Hòa (Ba Lan) cho biết: “Đối với bà con Việt Kiều sống xa quê thời gian gặp nhau rất hiếm. Đây là dịp để bà con sum vầy. Bữa cơm tất niên là tổng kết một năm, để báo cáo một năm qua đạt được những gì và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới, cầu mong được các bậc tiền nhân phù hộ độ trì cho mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận yên ấm”.

Cùng dự bữa cơm tất niên với gia đình anh Quý, ông Hà Minh Hiển- Chủ tịch hội phật tử Việt Nam tại Ba Lan tâm sự: “Năm nay tôi lại ở ăn Tết ở Ba Lan, 2 năm trước tôi ăn Tết ở quê nhà. Dự bữa cơm tất niên với gia đình anh Quý tôi thấy rất vui và đầm ấm. Nhân dịp năm mới, tôi xin có lời chúc tới tất cả các anh chị tại đây năm mới an lạc.”

Nhiều món ăn truyền thống được bọn trẻ thích thú

Không khí gia đình như được nhân lên khi mọi người nghe tôi hỏi chuyện Tomek- cậu bé 12 tuổi con trai anh Quý:

- Chào cháu Tomek, cháu có cảm nhận thế nào về bữa cơm cuối năm về Tết cổ truyền của Việt Nam?

-Cháu rất thích, vì được ăn nhiều món ngon và được lì xì nữa.

- Tomek có mong ước gì trong năm mới?

-Cháu ước bố mẹ cháu không phải làm việc vất vả, em gái cháu học hành tiến bộ. Cháu học khá và vui.

Gọi là bữa cơm Tất niên nhưng trong bữa cơm tất niên của gia đình anh Quý cũng như nhiều gia đình khác ở nước ngoài không hề nặng nề chuyện ăn uống mà nghiêng về tình cảm gia đình.

Bên mâm cơm Tất niên, mọi người còn chia sẻ những vui buồn, thành bại trong năm qua, có gì khúc mắc, hiểu lầm hoặc có điều sai trái với nhau thường dễ dàng góp ý, trao đổi trong dịp này. Sau câu chuyện trong bữa cơm Tất niên người ta cũng dễ dàng thông cảm để rồi bỏ qua cho nhau mọi chuyện, cùng nhau hướng về năm mới, về tương lai.

Một năm bôn ba đất khách, lòng người khao khát thời khắc sum vầy bên mâm cơm gia đình có con cháu, anh chị em, ông bà cha mẹ. Bữa cơm tất niên ấy là mùi Tết bám sâu thành gốc rễ vào tâm hồn người Việt. Xa quê, nhưng tình cảm bà con luôn hướng về quê hương, đất nước trong những ngày Tết đên, Xuân về ./.