Khu di tích Bác Hồ tại phủ Chủ tịch là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên phủ Chủ tịch, thuộc trung tâm chính trị Ba Đình - quận Ba Đình, Hà Nội. Năm 1954, sau khi quân ta về tiếp quản thủ đô, Bác Hồ ở và làm việc tại khu vực này. Công trình phủ Chủ tịch là một công thự lớn, nguyên là phủ toàn quyền do thực dân Pháp xây đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, với bản tính giản dị và muốn gần gũi thiên nhiên, Bác Hồ không ở và làm việc trong phủ. Bác ở trong khu nhà kế bên trong khuôn viên Phủ Chủ tịch Bác Hồ chỉ sử dụng công trình Phủ Chủ tịch cho các hoạt động tiếp khách hay nghi lễ ngoại giao.

Từ năm 1954 đến 1958, Bác Hồ ở và làm việc trong một ngôi nhà nhỏ 1 tầng. Sau đó, Bác chuyển sang ở ngôi nhà sàn bằng gỗ mới xây dựng. Đây là công trình đặc biệt và quan trọng nhất của cụm di tích, gắn bó với Bác cho tới khi Người qua đời (năm 1969). Đây cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bác với Bộ Chính trị và các vị lãnh đạo, nơi ra nhiều quyết định quan trọng của Đất nước. Tác giả thiết kế ngôi nhà sàn của Bác Hồ là kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh (1908-1975). Công trình được bắt đầu từ năm 1957, và khánh thành ngày 17-5-1958 chào mừng dịp sinh nhật Bác (19/5). Ngôi nhà sàn Bác Hồ nằm kế bên một ao cá rộng, xung quanh là xum xuê cây trái. Ở vườn, có rất nhiều loài cây trái quý hiếm từ mọi miền trên đất nước. Ở ngôi nhà của mình, Bác trồng cây, nuôi cá sau giờ làm việc như một người lao động bình thường. Sau khi Bác qua đời, ngôi nhà sàn cùng cả khu vực này đã trở thành di tích và là một điểm tham quan gắn liền với lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 12 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định (Số 1272/QĐ-TTg) xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 1) đối với 10 di tích, danh lam thắng cảnh trên cả nước – trong đó có Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội)./.

di_tich_bacho_01__gvni.jpgKhu di tích Bác Hồ ở và làm việc kế bên công trình và nằm trong khuôn viên phủ Chủ tịch
Ngôi nhà Bác Hồ đã ở từ năm 1954 đến năm 1958
Một phòng bên trong nhà
Tấm biển lưu niệm ngoài nhà
Ngôi nhà này nằm trong một quần thể các kiến trúc phụ trợ khác kế bên ao cá
Đường Xoài – con đường nhỏ nối từ nhà sàn sang phủ Chủ tịch, nơi mà nhà thơ Tố Hữu đã đưa vào thi ca: “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa…”(Bài thơ “Theo chân Bác”)
Ngôi nhà sàn Bác Hồ, một kiến trúc bằng gỗ hai tầng, mái ngói
Lối đi phía trước nhà sàn ra ao cá
Nơi đây, Bác thường ra cho cá ăn, thư giãn. Mỗi khi Bác vỗ tay là đàn cá bơi đến. Trong đàn cá có rất nhiều con chép lửa.
Tầng trệt nhà sàn là phòng họp, nơi bác làm việc cùng Bộ chính trị
Tầng hai là nơi bác ở và làm việc. Phòng làm việc bên trái…
Phòng ngủ của Bác
Du khách tham quan nhà sàn Bác Hồ. Chiếc cầu thang và lan can này được xây dựng thêm kế bên nhà sàn để thuận tiện cho việc tham quan mà vẫn gìn giữ được ngôi nhà sàn.
Xung quanh nhà sàn là hàng rào và chiếc cổng được kết bằng hoa dâm bụt.
Những cây bưởi trong vườn cây trái, nhà thơ Tố Hữu đã nhân cách hoá trong bài thơ khóc bác: “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai/ Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài…” (Bài thơ “Bác ơi”)
Ngôi nhà sàn bình dị soi bóng xuống mặt hồ giữa xum xuê cây trái
Cầu ao, luôn là nơi thu hút du khách tham quan ngắm đàn cá
Du khách trở về mang theo những vật lưu niệm gắn với hình ảnh của Bác. Hình ảnh Bác Hồ luôn dung dị và gần gũi, sống mãi với dân tộc Việt Nam.