Mùa xuân năm nay rất nhiều bạn trẻ đã hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quân sự, thực hiện ước mơ thuở nào được là anh bộ đội. Những cuộc tiễn đưa đầy tình cảm của người thân và bầu bạn cùng những cuộc nhận quân đượm tình thương yêu của các chú, các anh đồng đội “người đi trước rước người đi sau, người đi sau theo mau người đi trước” – mà các phương tiện thông tin đại chúng truyền tải, đã nói lên thế hệ trẻ ngày nay sẵn sàng chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Họ hãnh diện tiếp bước cha anh phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc. Những ngày này, tôi lại nhớ đến bài hát “Hãy yên lòng Mẹ ơi” của đôi nhạc sĩ, nhà thơ Lư Nhất Vũ và Lê Giang. Đây không chỉ là tình cảm mẹ con mà còn là tình cảm rộng lớn của tuổi trẻ với quê hương, đất nước.
Vợ chồng nhạc sỹ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang (ảnh: Dân Việt) |
Trong một buổi xét tuyển nghĩa vụ quân sự ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An mà các nhạc sĩ Văn An, Cầm Phong, Trần Chung và tôi được Huyện Đội mời đến tham dự vào năm 1982 trong chuyến đi thực tế về quê Bác Hồ. Hôm đó, chúng tôi được một chàng trai đăng ký tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội đã cất cao tiếng hát: “Từ nơi biên cương núi cao, người lính qua trăm suối nghìn đèo, lắng nghe tiếng của mẹ hiền, ngày đêm giục bước con hành quân”một cách rất tự nhiên. Trước đó và sau đó tôi đã từng nghe nhiều ca sĩ hát ca khúc “Hãy yên lòng Mẹ ơi!” nhưng tôi nhớ mãi hình ảnh và giọng hát của người trai trẻ hăng hái xung phong đi bộ đội buổi ấy.
Quả vậy, tuy đất nước đã hòa bình nhưng những lời ca hào hùng: “A! ai giục lòng ta” vẫn làm nao nao những trái tim trai trẻ, thúc giục những bước chân hăm hở ra đi bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Dù biết rằng sẽ phải trải qua những ngày tháng gian khổ nhưng lớp trẻ họ đã hiểu đó là trách nhiệm với quê hương đất nước. Trong ca khúc: “Hãy yên lòng Mẹ ơi”, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và Lê Giang đã đề cập đến 2 chủ thể là người mẹ và đứa con, nhưng người nghe còn cảm nhận được sự xuất hiện của chủ thể thứ 3 đó là đoàn quân “qua trăm suối nghìn đèo”. Hẳn là những người lính trong đoàn quân ấy cũng có những bà mẹ đang mỏi mắt chờ con, nhưng vì quê hương yêu dấu, người chiến sĩ không ngại hy sinh thân mình: “son sát nguyện thề, tình non nước, hiến thân đời con”. Bao người lính trẻ vẫn ra đi để giữ mãi cho đất nước mùa xuân trọn vẹn và…mẹ ơi! Xin mẹ hãy yên lòng.
Ba nó tặng con một đôi dép râu (kỷ vật Trường Sơn), mẹ nó chẳng có gì…chỉ trao cho nó tấm lòng thương yêu và gương mặt đầy suy tư vì sắp phải xa con. Thế là anh lính trẻ thuộc thế hệ thứ tư với phục trang không ra chính quy cũng không ra du kích đã lên đường! Giây phút chia tay thật trầm ngâm, im lặng…Thấy mẹ rung rung nước mắt, thằng con trai của chúng tôi vốn lầm lì ít nói, bỗng choàng bật lên mấy tiếng “cương quyết ra đi” rằng:
“Mẹ đừng lo lắng, đừng buồn! Dẫu sao con cũng đã biết thế nào là có mẹ, có cha, Mẹ hãy yên lòng!”
Mùa này ve đã kêu và bông điệp đã nở rộ. Ký ức về khu rừng Tây Ninh trong những năm chống Mỹ cứu nước tự nhiên hiện lên không sót một cành lá, một giọt sương, một tia nắng, một con suối, một cánh hoa mua…Kỷ niệm gian khổ đầy thơ mộng đã đưa chúng tôi đến vùng biển giới Tây Nam với bước hành quân của đứa con trai. Và bỗng nghe đâu đây nổi lên từng chuỗi âm thanh lúc ẩn lúc hiện, khi gần khi xa để dần dà kết tinh lại thành bài hát “Hãy yên lòng Mẹ ơi”!
Ca khúc này được viết cho đứa con trai mà tưởng chừng viết cho ba nó, mẹ nó. Tiếng ru của Mẹ quyện theo bước hành quân. Và cứ mỗi nhịp hành khúc vẫn luôn vang vọng lời ru mặn nồng của Mẹ. Đó là sự khái quát hình tượng âm nhạc cùng ý tình qua lời hát của chúng tôi được dàn trải trong đoạn điệp khúc. Ở đoạn 1, có thể hình dung nhịp chân của các binh đoàn Việt Nam đi trong tiếng trống thôi thúc, giục giã, vang vọng xa xa từ một phum sóc nào đó phía bên kia núi rừng…
Lê Hành đã hát đầu tiên ca khúc này trên làn sóng phát thanh, truyền hình. Nhưng rồi nó bị chìm lỉm. Nó theo những đợt sóng ngầm đến hải đảo nào, bờ suối nào, khu rừng nào. Số phận của nó ra sao? Còn con trai chúng tôi thì đã xong một mùa luyện quân.
Sau tháng 5 – 1981, đột nhiên bài hát ấy về với các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng tại thành phố Hồ Chí Minh bằng những giọng hát không chuyên của Lưu Hùng (Quận Tân Bình). Mai Trực (Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy), Đình Văn (công nhân Nhà máy in tổng hợp) và tốp ca các đơn vị quân đội…
Cùng với “Hãy yên lòng mẹ ơi”, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ còn có rất nhiều ca khúc khác viết về tuổi trẻ và cho tuổi trẻ hát được thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam yêu thích như: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bên tượng đài Bác Hồ, Hàng em mang tới chiến hào, Bài ca đất phương Nam… Những bài hát ấy đã đồng hành cùng tuổi trẻ qua các thời kỳ và đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Ông thường nói “mỗi bài hát đều mang theo một số phận của nó”. Mỗi thành công của một ca khúc nào đó chưa chắc đã là đỉnh cao nghệ thuật của đời người sáng tác, nhưng những đứa con nghệ thuật do mình sanh ra đều đem lại cho mình một kỷ niệm đẹp, một sự cưu mang xứng đáng, một niềm vui vô giá…/.