Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) bao gồm 3 hòn đảo: Đảo Lớn, Đảo Bé và hòn Mù Cu. Đảo Lớn còn gọi là Cù Lao Ré, gồm 2 xã An Vĩnh và An Hải, là trung tâm của Lý Sơn. Đảo Bé còn có tên gọi Cù lao Bờ Bãi, là xã An Bình. Hòn đảo thứ 3 nhỏ nhất, không có người ở là Hòn Mù Cu ở phía đông, sát Đảo Lớn.

Đảo Bé cách Đảo Lớn khoảng 7km về phía Tây Bắc. Theo các nhà địa chất, Đảo Bé nguyên thuỷ có thể là một phần liền với Đảo Lớn, nhưng do một cơn địa chấn cực mạnh, một phần phía tây Đảo Lớn bị tách ra, “trôi dạt” và hình thành nên Đảo Bé như bây giờ.

Năm 1993, huyện đảo Lý Sơn được thành lập với 2 xã Lý Vĩnh và Lý Hải (tương đương với An Vĩnh và An Hải hiện nay). Đảo Bé là thôn Bắc của xã Lý Vĩnh. Năm 2003, các xã Lý Vĩnh và Lý Hải trên Đảo Lớn được đổi tên thành An Vĩnh và An Hải cùng với việc thành lập xã đảo An Bình thuộc Đảo Bé, do đặc thù nằm ở một hòn đảo cách biệt.

Đảo Bé có diện tích 0,69km2, dân số hiện tại trên 400 người thuộc hơn 100 hộ dân sinh sống với nghề đánh bắt hải sản và trồng tỏi, hành. Khác với Đảo Lớn có mật độ dân số cao, xây dựng nhiều và luôn tấp nập, Đảo Bé dân cư thưa thớt, vắng vẻ. Đúng như tên gọi, cuộc sống ở Đảo Bé yên bình, chậm rãi trong không gian còn nhiều nét đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Nhưng Đảo Bé cũng có nhiều những nỗi niềm...

daobe%20(01).jpg
Tàu An Bình 02 là tàu khách đi giữa Đảo Lớn và Đảo Bé. Mỗi ngày bình trung bình chỉ có một chuyến tàu rời Đảo Lớn tới Đảo Bé và trở lại Đảo Lớn trong ngày. Chuyến tàu này chở người trên đảo đi lại công việc, khách tham quan và cả hàng hoá, nhu yếu phẩm cho cuộc sống. Hải trình là 30 phút cho 7km
Khác với cầu cảng ở Đảo Lớn luôn tấp nập, cầu cảng ở Đảo Bé thưa vắng
Cảnh quan trên Đảo Bé đẹp hoang sơ với những bãi biển cát trắng và nước trong vắt
Một góc bờ nam Đảo Bé nhìn về phía Đảo Lớn
Ghềnh đá đen ở bờ bắc Đảo Bé. Đây là kết quả của sự hình thành nham thạch núi lửa hàng chục triệu năm trước
Ở trên Đảo Bé có những cây bàng vuông
Dân cư ở Đảo Bé thưa thớt, thôn xóm rất yên bình với những ngôi nhà 1 tầng. Cuộc sống nơi đây còn rất nhiều khó khăn
Một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu nước ngọt. Ở Đảo Bé không dùng được nước giếng do bị nhiễm mặn. Tất cả các nhà đều phải xây dựng một hệ thống dự trữ nước mưa
Một thửa ruộng đang được làm đất trồng tỏi. Cát biển được san phủ lên mặt đất trồng để tránh trôi đất và làm mát cho cây. Đất ở Đảo Bé chỉ có thể trồng được hành tỏi, không trồng được các loại cây nông nghiệp khác do thiếu nước tưới. Việc tưới tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên
Cũng như ở Đảo Lớn, tỏi là đặc sản của Đảo Bé
Ngư nghiệp ở Đảo Bé chỉ là đánh bắt gần bờ theo lối tự cung tự cấp với những tàu thuyền nhỏ. Các ngư dân nếu muốn đánh bắt xa bờ đều phải sang Đảo Lớn
Trường Mầm non duy nhất trên Đảo Bé, rất nhỏ bé

Và kế đó là trường Tiểu học. Trường Tiểu học An Bình có 5 lớp cho 5 khối từ lớp 1 đến lớp 5. Trước đây Đảo Bé cũng có trường Trung học cơ sở (cấp 2) nhưng do quá ít học sinh đã phải đóng cửa. Học sinh học hết lớp 5 muốn đi học tiếp phải sang Đảo Lớn

Trẻ con chơi trên những con đường vắng vẻ...

Đảo Bé không có điện lưới. Điện sinh hoạt đều phải sử dụng máy phát. Nhưng cũng có thể thấy công nghệ cao được ứng dụng như tấm pin năng lượng mặt trời này
Trạm cấp nước An Bình. Đây là một dự án được Hàn Quốc tài trợ trị giá 20 tỷ đồng, với chức năng lọc nước biển thành nước ngọt sinh hoạt, hoàn thành tháng 6/2012. Công suất của hệ thống đạt 25m3/ngày, vẫn quá thiếu với hơn 100 hộ gia đình trên đảo. Trong thời điểm hiện tại vì nhiều lý do khác nhau, khả năng sản xuất không đạt công suất thiết kế, nên Đảo bé vẫn luôn trong tình trạng “khát nước”
Tàu An Bình 02 lặng lẽ ở cầu tàu vắng chờ đến chiều để về Đảo Lớn. Đảo Bé đẹp và yên bình, nhưng còn đó nhiều những nỗi niềm