“Ngồi cứng” là cách gọi vắn tắt, quen thuộc chỉ một loại vé, một thứ hạng chỗ trên toa tàu của ngành Đường sắt Việt Nam. “Ngồi cứng” là ngồi ở toa ghế cứng, để phân biệt với toa nằm, hay “ngồi mềm”. “Ngồi cứng” là thứ hạng thấp nhất, có giá rẻ nhất và đương nhiên mức tiện nghi kém nhất.

Khách của hạng vé này đa phần là người nghèo, hoặc đi chặng ngắn; hoặc vào những thời điểm đông khách, chậm chân không mua được vé nằm hay ngồi mềm. “Ngồi cứng” cũng thường là tiêu chuẩn công tác, nghỉ phép của những công nhân viên chức cấp thấp, hay bộ đội nghĩa vụ.

Đi tàu “ngồi cứng” rất mệt mỏi và vất vả, nếu như hành trình tính bằng hàng trăm cây số trở lên. Tuy vậy, ở toa ngồi cứng cũng có nhiều điều thú vị./.

ngoi_cung%20(01).jpg
Một toa ngồi ghế cứng có 80 chỗ, hai dãy ghế hai bên với lối đi ở giữa. Tuỳ loại toa mà một hàng có 5 chỗ (1 bên ghế 3, 1 bên ghế 2) hay 4 chỗ (mỗi bên 1 ghế 2 chỗ). “Ghế cứng” được đóng bằng gỗ, với khung thép gắn xuống sàn toa
Các dãy ghế xếp quay mặt - tựa lưng vào nhau. Và do vậy, tựa ghế gần như vuông góc 90 độ so với mặt ghế ngồi. Nhưng do băng ghế liền (2 hoặc 3 chỗ) nên việc ngồi và sử dụng chỗ ngồi khá linh hoạt với hành khách khi toa không kín khách. Toa ngồi ghế cứng không có điều hoà mà chỉ có quạt máy lắp trên trần toa
Trên toa ghế cứng không được trang bị bình uống nước nóng - lạnh như toa nằm hay toa “ngồi mềm”, mà chỉ có những bình nước vỏ nhựa đặt tạm trong buồng vệ sinh
Do không dùng điều hoà, cùng với mật độ người đông nên toa ghế cứng phải sử dụng giải pháp thông gió tự nhiên qua cửa sổ. Và để an toàn cửa sổ phải lắp thêm một lớp lưới thép bảo vệ. Việc ngắm cảnh qua cửa sổ ở toa này là điều rất khó chịu
Nhưng việc ngồi đối diện với nhau cùng sự linh hoạt trong sử dụng chỗ ngồi lại tạo nên sự hoà đồng, thân mật, vui vẻ; dễ dàng làm quen, chia sẻ, giúp đỡ nhau
Thực tế, ở toa ghế cứng, chỗ ngồi theo số ghi trên vé chỉ là tương đối
Với không gian rộng giữa hai dãy ghế đối diện và chiếc bàn nhỏ gắn cứng ở giữa, cũng rất tiện lợi cho những việc sinh hoạt cần thiết như thế này
Và khi vắng khách, ghế cứng có thể là“sân chơi” cho trẻ. Ở toa ghế mềm khó có thể có điều này
Nhưng với hành trình dài, thì ngồi ghế cứng rất mệt mỏi. Anh Trịnh Văn Bằng cùng con 1 tuổi rưỡi, nhà ở Bình Dương; đi tàu từ Ninh Bình về ga Biên Hoà; không mua được vé nằm, chỉ còn vé ngồi cứng; đã phải “mua” chỗ - phòng nhân viên toa để nghỉ cho cháu bé đỡ mệt. “Giá” của chặng này do nhân viên toa đưa ra là 300.000 đồng
Còn nhân viên phụ trách toa bắc ghế ra đầu toa làm việc
Thông thường, toa ghế cứng ít khi kín khách, và mọi người có thể thoải mái trong việc sử dụng chỗ ngồi, ngồi không đúng chỗ, hoặc nằm, ngồi lấn chỗ
Những người quen đi tàu đường dài với vé “ngồi cứng” sẵn sàng nằm dưới gầm ghế, trên sàn toa cho đỡ mỏi, và chuẩn bị sẵn chiếu mang theo
Còn ngồi, cách nào cũng rất mỏi mệt, cho dù là đàn ông. Nếu sở hữu được cả băng ghế, thì chiều dài băng ghế cũng không đủ nằm, và tựa ghế vuông  góc gần 90 độ, không thể ngả lưng
Người co chân, người khoanh chân, người bó gối, kẻ nằm dưới sàn
Tình cảm giúp nhau vượt qua chặng đường mệt mỏi!?
Ngồi sát ra mép ghế để nhường chỗ cho bé nằm
Tìm mọi cách duỗi chân cho thẳng người, đỡ mỏi
Ngoài ô cửa có thể phong cảnh rất đẹp; nhưng vì tấm lưới thép, và quá mệt, thôi đành... gục mặt, quay lưng
Hành trình nào rồi cũng kết thúc. Chia tay những người đồng hành mới quen ở lại, tạm biệt ghế cứng cùng những mỏi mệt đường dài!