Theo đó với giá trần, Vietnam Airlines đề xuất tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng cho các chặng bay từ 500 km đến 1.280 km trở lên. Giá vé trần sẽ được giữ nguyên với các đường bay phát triển kinh tế - xã hội, nhóm đường bay khác dưới 500 km.

Với giá sàn, theo phương án thứ nhất, Vietnam Airlines đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019.

Theo đó, giá sàn cho các đường bay dưới 500 km là 414.000 đồng, 570.000 đồng các đường bay 500 - 850 km, 755.000 đồng cho các đường bay 850 - 1.000 km, 804.000 đồng cho các đường bay 1000 - 1.280km và 917.000 đồng cho các đường bay từ 1.280 km trở lên.

Phương án áp giá sàn thứ hai của Vietnam Airlines đưa ra là bằng 35% trần giá vé đề xuất, cao hơn phương án thứ nhất. Theo đó, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500 km cho đến 1.280 km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng.

Nếu được thông qua, các hãng hàng không sẽ không thể tung ra những chương trình với giá vé máy bay siêu rẻ hoặc thậm chí 0 đồng mà phải tuân theo mức giá sàn này.

Ngoài các đề xuất về giá vé, tại buổi làm việc với Cục Hàng không, Vietnam Airlines mong muốn có thêm hỗ trợ để doanh nghiệp phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia. Vietnam Airlines đề nghị cần xây dựng quy chế để đảm bảo được cấp hơn 50% lượng slot bay và thương quyền được phân bổ.

Hãng muốn được ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác lại các điểm đến quốc tế để thể hiện hình ảnh quốc gia, cũng như được chỉ định thực hiện các hoạt động quảng bá điểm đến, đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam trên các diễn đàn trong và ngoài nước.

Đồng thời, hãng cũng xin được thực hiện nghiệp vụ sale & leaseback (bán và thuê lại) với 50% số lượng máy bay trong đội tàu bay.

Theo Vietnam Airlines, cơ sở tăng giá trần và áp giá sàn là bài toán để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn COVID-19, giảm bớt cạnh tranh, giẫm đạp lên nhau để tự làm yếu mình. Không chỉ cạnh tranh nội địa, khi thị trường phục hồi, hàng không quốc tế "nhảy vào" thì nội lực của hàng không Việt Nam yếu đi.

“Do đó, có thể nghiên cứu áp giá sàn vé máy bay trong giai đoạn nhất định nhưng phải trong giai đoạn COVID-19. Đến khi thị trường phục hồi có thể xem xét bỏ giá sàn...”, kiến nghị của Vietnam Airlines nêu.

Hạn chế cạnh tranh, người dân chịu thiệt

Trước việc kiến nghị áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines, một số chuyên gia về giao thông, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu áp dụng theo ý muốn này của Vietnam Airlines, việc cạnh tranh sẽ giảm, người tiêu dùng bất lợi.

Đây là lần thứ hai Vietnam Airlines đưa đề xuất áp sàn giá vé máy bay. Trước đó, hồi tháng 3/2017, hãng cũng từng gửi Bộ GTVT phương án áp giá sàn cho một vé máy bay hạng phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, còn giá trần là 4,2 triệu đồng.

Tuy nhiên, đề xuất này sau đó nhận được nhiều quan điểm trái chiều và không được Bộ GTVT đồng ý.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM, nếu những "yêu sách" và đòi hỏi của Vietnam Airlines được chấp thuận, chúng ta sẽ phải bay với giá rất đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh, việc này không có lợi cho người dân.

“Khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch...”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài chính, cho rằng việc áp giá sàn là một trong những biểu hiện của hạn chế cạnh tranh.

“Thị trường hàng không cũng như thị trường xăng dầu, chưa có cạnh tranh thực sự, do có một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, chiếm thị phần trên 30%. Theo Luật giá, nhà nước chỉ áp giá trần, mà không áp giá sàn. Việc áp giá sàn không khuyến khích cạnh tranh và không có lợi cho người tiêu dùng. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, phải có cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Long nói.

Các chuyên gia cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay tuyến nội địa là không hợp lý, không phù hợp quy luật cung cầu của thị trường, khiến quyền lợi người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, có thể vi phạm nhiều luật như Luật Cạnh tranh, Luật Hàng không Dân dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và vi phạm các cam kết, hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nên cần phải xem xét thận trọng.

“Trong môi trường cạnh tranh, giá vé càng rẻ và dịch vụ càng tốt thì càng có lợi cho người tiêu dùng. Ngược lại nếu áp giá sàn, khác nào ngành hàng không sẽ quay lại thời độc quyền. Khách sẽ phải bay giá cao, nhà nước thất thu khoản ngân sách lớn và môi trường kinh doanh không lành mạnh”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ thêm./.