Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến hết tháng 10, so với cùng kỳ, xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 14,8 tỷ USD, tăng 18,7%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 14,6%.

Trước thực tế mức tăng kim ngạch như hiện tại và có tín hiệu khởi sắc về đơn hàng, ngành dệt may Việt Nam dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 19 tỷ USD như mục tiêu đề ra từ đầu năm (đầu năm nay, ngành dệt may đã đặt ra mục tiêu năm 2013 duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10,4 đến gần 12%, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 18,8 - 19,3 tỷ USD).

Đóng góp vào mức kim ngạch của ngành dệt may 10 tháng qua, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt trên 270 triệu USD, các mặt hàng xơ, sợi dệt các loại ước đạt gần 700 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam cũng nhập khẩu bông từ Trung Quốc với giá trị ước khoảng gần 7,5 triệu USD; xơ sợi dệt các loại ước trên 350 triệu USD; đặc biệt là mặt hàng vải các loại ước gần 3,0 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng may mặc của nước ta tới thị trường Mỹ, Hàn Quốc, ASEAN tăng mạnh. Cụ thể, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái; sang Hàn Quốc tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái; sang Nhật Bản tăng tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang các thị trường Canada, Hồng Kông, Mexico… đều đạt được các mức tăng trưởng khá ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp dệt may đã xây dựng lộ trình cũng như phương án sản xuất theo hướng FOB, ODM và chuẩn bị cho việc tham gia TPP thông qua việc từng bước đổi mới công nghệ hiện đại và nâng cao hiệu quả quản trị, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt, nhuộm, hoàn tất và thiết kế.

Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực dệt may (nhất là dệt nhuộm hàng cao cấp) hiện không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà đã hướng đến một số tỉnh có lợi thế về vận chuyển hàng hóa, về nguồn nhân lực, về ưu đãi đầu tư (ưu tiên đầu tư các ngành nhằm chuyển giao công nghệ). Tuy nhiên, quá trình đổi mới chưa tạo được sự đột phá rõ nét và chưa đảm bảo sự phát triển bền vững./.