Bước sang năm 2013, ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 18,8 – 19,3 tỷ USD. Thông tin này được Tập đoàn Dệt may Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo về kết quả sản xuất kinh doanh 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013.
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2012 đạt 17,2 tỉ USD, dẫn đầu cả nước, tăng 8,5% so với năm 2011. |
Năm 2012, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành dệt may vẫn tăng trưởng ổn định. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 17,2 tỉ USD, dẫn đầu cả nước, tăng 8,5% so với năm 2011. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường lớn vẫn tăng trưởng ổn định mặc dù nhập khẩu dệt may nói chung vào các thị trường này đều tăng chậm, thậm chí giảm. Cụ thể, nhập khẩu dệt may vào thị trường Mỹ năm 2012 giảm 0,5% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9,2%, tại thị trường Hàn Quốc giảm 7% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9%. Điều này cho thấy dệt may Việt Nam ngày càng uy tín và có tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Dự báo năm 2013 nhu cầu dệt may của thế giới sẽ tăng nhẹ. Trong đó, thị trường Mỹ tăng 3%; Châu Âu không suy giảm mạnh như những năm trước; thị trường Nhật Bản tăng 10%, các thị trường khác cũng tăng khoảng 5%… Trên cơ sở này, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu năm nay đạt kim ngạch xuất khẩu từ 18,8 – 19,3 tỷ USD, tăng từ 10-12% so với năm 2011, tạo thêm khoảng 200 nghìn việc làm mới. Để đạt mục tiêu này, ngành dệt may tiếp tục nâng cao năng suất lao động, đi vào những mặt hàng có yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao, linh hoạt trong việc đáp ứng các đơn hàng.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Năm 2013 bên cạnh những khó khăn vẫn có nhiều thuận lợi cho dệt may Việt Nam. Nếu hiệp định TPP thành công sẽ là cơ hội, bước tiến mới cho dệt may Việt Nam. Năm nay tiếp tục đàm phán FTA với EU, kỳ vọng thị trường này sẽ khởi sắc. Đối với thị trường trong nước, kỳ vọng kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, đặc biệt là tiếp cận vốn. Chúng tôi xây dựng kế hoạch 2013 đạt từ 18,8-19,3 tỷ USD. Ngành dệt may sẽ tận dụng cơ hội mới để đạt mức xuất khẩu cao nhất có thể./.