Ngày 15/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và Hong Kong: Làm sao để doanh nghiệp hưởng lợi?”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế nhận định, những năm qua, quan hệ thương mại - đầu tư với đối tác Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Với sự hỗ trợ của nhiều thỏa thuận, cam kết quan trọng đã có giữa Việt Nam và Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, đạt xấp xỉ 70 tỷ USD năm 2016.
Theo thống kê của Bộ Công thương, đến năm 2016, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc mới được khoảng 30% |
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại đang ngày càng có xu hướng tăng lên, điều này đang gây ra những hệ lụy cho cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như đối với các doanh nghiệp. Thực tế là Việt Nam chưa tận dụng được những cơ hội để xuất khẩu sang Trung Quốc và tận dụng được những lợi thế về thuế quan từ các Hiệp định hiện nay đang có.
Theo thống kê của Bộ Công thương, đến năm 2016, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc mới được khoảng 30%, có nghĩa là chưa đầy 1/3 số hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc tận dụng được những ưu đãi thuế quan này. Điều này cho thấy những lợi ích mà các doanh nghiệp kỳ vọng từ Hiệp định vẫn còn hiện thực hóa được rất ít.
Ngày 21/11/2017 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hong Kong (Trung Quốc) đã được chính thức ký kết, mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực kinh tế đặc biệt này của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, để các doanh nghiệp có thể hưởng lợi tối đa từ các Hiệp định, thì việc phổ biến thông tin của các Hiệp định thương mại cũng như hướng dẫn về kỹ thuật cho doanh nghiệp là điều quan trọng hàng đầu mà các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện. Ngoài ra, các chứng nhận về xuất xứ hàng hóa cần được cải thiện cả về quy trình, thời gian cũng như cách thức làm. Để tận dụng tốt lợi thế thương mại với Trung Quốc, Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa và tiến tới giảm thương mại tiểu ngạch.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Việc tiếp cận thông tin và việc điều chỉnh sản xuất để đáp ứng được những tiêu chuẩn về xuất xứ để tận dụng cơ hội về thuế quan là một yếu tố mà doanh nghiệp cần chú ý. Từ góc độ cơ quan nhà nước thì việc cải cách thủ tục hành chính và những yếu tố khác để tạo thuận lợi cho việc cấp chứng nhận xuất xứ cũng như tạo điều kiện cho thuận lợi thương mại trong quy trình hải quan và những quy trình có liên quan để xuất khẩu sang Trung Quốc cũng là một yếu tố để chúng ta cùng với các doanh nghiệp đồng hành để tăng xuất khẩu của ta lên"./.
Thương lái Trung Quốc thuê đất lúa thả sinh vật ngoại lai