Thực hiện Cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Nghệ An đang có những nan giải, vướng mắc do xác định lại quỹ đất và tài sản của doanh nghiệp. Bởi các diện tích đất của các doanh nghiệp giao khoán đã trở thành đất ở và sản xuất của người dân. Trong khi đó phần lớn diện tích đất bị mua đi bán lại qua nhiều người theo thỏa thuận.

vov_doi_che_xczc.jpg
Đồi chè của các hộ dân nhận khoán

Tại xóm Điện Biên, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, gia đình ông Nguyễn Gia Tuyên được bố mẹ chia cho hơn 1 hec ta và đã xây nhà cửa khang trang hàng chục năm nay. Ông Tuyên cho biết, diện tích đất mà ông đang sử dụng làm nhà và trồng vườn chè vẫn đang thuộc quyền quản lý của xí nghiệp chè Hạnh Lâm.

Xóm Điện Biên, hiện có 65 hộ trước đây là công nhân nông trường được giao đất thì nay họ đã trở thành công dân của xóm. Những hộ này đều xây dựng vườn chè cùng với nhà vườn khang trang và vẫn thuộc Xí nghiệp chè Hạnh Lâm quản lý. Hiện, Ủy ban nhân dân xã Hạnh Lâm quản lý hành chính nhân khẩu đối với các hộ này.

Hộ ông Nguyễn Gia Tuyên thu hoạch chè trên vườn nhà vốn là đất nông trường giao
Xí nghiệp chè Hạnh Lâm quản lý và sử dụng hơn 1.900 ha đất, trong đó, có 600 ha là đất trồng chè, và đã giao khoán cho 800 hộ theo hình thức 1-3-5. Nhưng hiện nay, toàn bộ 800 hộ dân đều không bán nguyên liệu chè cho xí nghiệp nữa, mà bán tự do trên thị trường.

Ông Phạm Ngọc Châu, giám đốc xí nghiệp chè Hạnh Lâm, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Chè Nghệ An cho biết, đến thời điểm này, người dân định cư trên đất nông trường đã không còn cung cấp nguyên liệu chè cho xí nghiệp mà họ đã tự sản xuất và tìm đầu mói tiêu thụ.

Cùng cảnh ngộ tương tự, xí nghiệp chè Thanh Mai trên địa bàn huyện Thanh Chương đã phải đóng cửa hơn 2 năm nay vì người dân không bán nguyên liệu cho xí nghiệp. Khoảng 600 ha đất trồng chè của xí nghiệp chè Thanh Mai giao khoán theo hình thức 1-3-5 cho  400 hộ dân địa phương đều không thể quản lý được đầu nguyên liệu, không có 1 hộ nào bán sản phẩm cho xí nghiệp.

 Xưởng sản xuất chè của xí nghiệp chè Hạnh Lâm đã ngừng sản xuất
Hiện nay, những phần đất mà người dân được giao đều trở thành làng xã,  nhiều hộ đã tự động chia đất, tách hộ cho con cái, thậm chí còn sang nhượng bán đất tự thỏa thuận với nhau. Đây chính là điều khó nhất đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An khi bắt tay vào việc thực hiện cổ phần hóa theo tinh thần nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Nghị định 118 của Chính phủ.

Ông Hồ Viết An - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An cho biết: Những phần trong nội vùng của mình để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động thì xin  giữ lại để  chuyển sang hình thức doanh nghiệp cổ phần cho thuê đất cho thuê đất để tiếp tục sản xuất. Còn lại đất ở những vùng đất khác không tập trung ở vùng chè thì giao cho địa phương quản lý theo tinh thần của 118 và thông tư 02 của Bộ NNPTNT.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết sẽ tiếp tục tái cơ cấu một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó duyệt phương án cổ phần hóa cho các nông trường chè trên địa bàn. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích hơn 4.300 ha thuộc công ty chè quản lý đang trong tình trạng vừa là đất ở, vừa là đất vườn của người dân. Việc cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An chắc chắn sẽ còn nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến công tác ổn định đời sống người dân cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn./.