Phát biểu tại Hội nghị về giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp tổ chức tại Vĩnh Phúc mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Những giải pháp tích tụ đất đai tập trung vào phát triển nền nông nghiệp lớn đều phải có mục tiêu là vì quyền lợi của nông dân, phải bảo vệ được người nông dân.

nong_dan_cgzi.jpg
Lợi ích của người nông dân cần phải được ưu tiên hàng đầu (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cách đây hơn 30 năm, bắt đầu từ chủ trương khoán 10, chính sách giao đất ổn định lâu dài góp phần giải phóng sức lao động, tạo bước chuyển biến cơ bản trong sản xuất nông nghiệp và xã hội nông thôn. Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong các nước xuất khẩu gạo, nông sản lớn của thế giới. Trước yêu cầu đổi mới và hội nhập sâu rộng, chính sách, pháp luật đất đai về cơ bản đã được hoàn thiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường.

Nhiều mô hình tích tụ đất đai thành công

Chính sách, pháp luật khuyến khích, hỗ trợ đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất đai, bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... Thực tế đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà “điểm danh” một số mô hình liên kết sản xuất kinh doanh tạo đã thành công với các cánh đồng mẫu lớn ở An Giang, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kinh tế hộ cũng phát triển mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội...

Theo lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường, cần có đánh giá về các mô hình hiện nay đã tập trung được đất đai và thu hút được doanh nghiệp sản xuất để thấy được những mặt mạnh, những mặt yếu, những cản trở…, để từ đó đưa ra những chính sách, những giải pháp nhằm đem lại hiệu quả của việc tích tụ đất đai.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rằng, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, đất đai manh mún đang là yếu tố làm chậm tiến trình chuyển dịch nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, giảm hiệu quả sử dung đất, năng suất lao động mà theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng ADB cho thấy sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Indonesia và chưa bằng 1/2 so với Thái Lan và Philippines…

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận trung ương cho biết, hiện nay có xu hướng một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là đúng theo quy luật kinh tế, bản thân người nông dân tự “bơi” thì không bao giờ thoát khỏi kinh tế nhỏ.

Nếu nông nghiệp cứ quy mô nhỏ như hiện nay, kinh tế hộ vẫn nhỏ lẻ thì chủ trương tích tụ ruộng đất là đúng, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo nêu quan điểm.

Rào cản trong tích tụ đất đai

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nguyên nhân của tình trạng chậm tích tụ là do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn diễn ra chậm; một số chính sách, pháp luật đất đai chưa thúc đẩy tích tụ như đối với hộ gia đình, cá nhân.

Quy định hạn mức nhận chuyển quyền đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân tại Điều 130 Luật đất đai chưa khuyến khích tích tụ để phát triển những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cá nhân nhận chuyển quyền vượt hạn mức là hành vi pháp luật nghiêm cấm và phần diện tích đất vượt hạn mức bị từ chối nhận thế chấp khi vay vốn ngân hàng… Bộ trưởng đặt vấn đề liệu đây có phải là “rào cản” hay không, nếu đúng như vậy, cần phải xem xét để hoàn thiện chính sách.

Bên cạnh đó, đối với nhà doanh nghiệp, mặc dù không có quy định hạn mức giao và nhận chuyển nhượng nhưng quyền tiếp cận đất nông nghiệp của doanh nghiệp còn gặp khó khăn do quy định tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ của hộ gia đình, cá nhân trừ trường hợp được chuyển mục đích theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.

Luật đất đai hạn chế các trường hợp Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong khi đó mặc dù có cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng nhưng nhiều trường hợp do chưa có sự đồng thuận cao của người sử dụng đất nên không thể tích tụ, tập trung đất đai. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế về các hình thức tiếp cận đất nông nghiệp so với doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, chính sách thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp áp dụng chung như các bất động sản khác, còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Việc xử lý đối với các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng chưa được thực hiện nghiêm trên thực tế. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển kém; còn tình trạng nông dân mặc dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn giữ đất…

Đặt lợi ích người nông dân lên hàng đầu

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, tích tụ, tập trung ruộng đất hình thành những cánh đồng lớn cùng với những giải pháp khác là yêu cầu, là đòi hỏi và là một trong những động lực cho tái cơ cấu nền nông nghiệp. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo đời sống, sinh kế ngày một tốt hơn cho nông dân, để nông dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển, tích tụ và tập trung. Cần đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế để chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn…

Đề cập đến thực tế, việc tích tụ và cập trung mà chúng ta không chú ý đến lợi ích của người nông dân và tính phù hợp của lực lượng lao động ở nông thôn thì việc thực hiện tích tụ rất khó khả thi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người nhận chuyển nhượng, nhận thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp tổ chức đào tạo nghề và khuyến khích người nông dân tham gia vào công việc này để họ vào làm việc để có thu nhập và sinh kế tốt hơn.

PGS.TS Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng của nông nghiệp. Nếu không tiếp cận được một quy mô đất hiệu quả, các doanh nghiệp và bản thân các trang trại, hộ gia đình không thể kinh doanh hiệu quả, nhưng có một quy mô lớn thì chưa chắc có hiệu quả. Nếu có thể tích tụ, tập trung ruộng đất được, thì đó chỉ là tiền đề cho nông nghiệp, không phải cái quyết định cho nông nghiệp hiệu quả. 

Vì vậy, theo PGS.TS Trần Thị Minh Châu, nếu đặt vấn đề nông nghiệp lên quy mô lớn hiện đại hóa nông nghiệp chỉ đặt vấn đề tích tụ, tập trung thì không phải vấn đề giải quyết căn bản. Không phải quy mô nhỏ là không áp dụng được cơ giới, giống mới, tiến bộ kỹ thuật, vấn đề là lợi ích của người nông dân. 

Vị chuyên gia này phân tích: Khi đưa ra giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phải đứng trên lợi ích của người nông dân. Một gia đình người nông dân thì bố có thể làm thợ phụ hồ, có thể vào thành phố làm xe ôm nhưng người vợ và các con không thể vào thành phố, phải ở nhà làm mấy sào ruộng để làm sao cả gia đình còn có cơm ăn, rau ăn, và người bố không lo lắng vợ con không bị chết đói và chấp nhận công việc trôi nổi ở thành phố để kiếm thêm tiền mua áo quần, đóng học cho con. Đấy là vấn đề an ninh tối thiểu trong nông nghiệp.

Với quan điểm trên, PGS.TS Trần Thị Minh Châu kiến nghị mở rộng hạn điền, nhưng vẫn giữ mức hạn điền nhất định để duy trì một nền nông nghiệp trực canh, để bảo bảo người có tiền không mua đất để ẩn dấu tài slản./.