Đó là khẳng định của Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) trong buổi đi thị sát 2 siêu nhà máy tại Bình Dương chuẩn bị được Vinamilk đưa vào hoạt động vào cuối tháng 4/2013.

Siêu nhà máy thứ nhất là nhà máy sữa bột cho trẻ em Việt Nam được xây dựng tại Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore VSIP 1 với tổng diện tích 6 ha, công suất 54.000 tấn sữa bột/năm. Và siêu nhà máy thứ 2 đặt tại Khu công nghiệp Mỹ Phước-Bình Dương với diện tích 20 ha với công suất bằng 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk cộng lại. 2 siêu nhà máy này được Vinamilk đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn tự có trị giá hơn 4.000 tỷ đồng, với trang thiết bị tiên tiến nhất hiện nay trong khu vực Châu Á và sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới từ các nước tiên tiến như Thụy Điển, Đức, Ý, Áo.

1anhmai.jpg
Tổng Giám đốc Công ty Vinamilk (thứ hai từ trái) đi thị sát nhà máy sữa bột cho trẻ em Việt Nam 

Đây là hai công trình quan trọng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp sản xuất sữa tại Việt Nam, và sẽ góp phần bình ổn thị trường sữa trong nước. Dịp này, phóng viên VOV phỏng vấn bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk).

PV: Thưa bà, việc Vinamilk chuẩn bị đưa vào hoạt động nhà máy mới sẽ có ý nghĩa như thế nào với thị trường sữa trong nước?

Bà Mai Kiều Liên: Điều này khẳng định mình đã xây dựng được một nhà máy ngang tầm quốc tế, đây cũng là niềm tự hào không chỉ của riêng Vinamilk mà của cả ngành sữa Việt Nam, mà Vinamilk là người đại diện.

Với một nhà máy không thua kém trong khu vực và hiện đại như thế này, trước mắt người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội được sử dụng các sản phẩm được sản xuất trên những dây chuyền thiết bị hiện đại như các nước tiên tiến trên thế giới, tạo niềm tin và chỗ đứng cho hàng Việt và thương hiệu Việt ngày càng khẳng định xứng tầm thế giới.

PV: Với 2 nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động như thế này, bà có hy vọng sẽ góp bình ổn giá sữa trong thời gian tới?

Bà Mai Kiều Liên:Có rất nhiều vấn đề trong giá sữa. Mình có muốn tăng nhiều cũng rất khó, bởi tất cả các hãng sữa đa quốc gia hàng đầu trên thế giới đều có mặt ở Việt Nam. Công ty nào cũng phải cạnh tranh với tất cả các đối thủ khác. Vấn đề là muốn thành công, phải đảm bảo chất lượng, đây là yếu tố tiên quyết, kế đến là giá cả và phong cách phục vụ, những công nghệ sáng tạo áp dụng vào chất lượng sản phẩm để giúp cho người tiêu dùng có những ích lợi cộng thêm. Những người nào càng sáng tạo thì càng thuyết phục được người tiêu dùng, càng tiêu thụ được nhiều hơn.

Tháp sấy sữa khổng lồ của Vinamilk hiện đại bậc nhất Châu Á

Chúng tôi xây dựng 2 nhà máy này mục tiêu để đến năm 2017 đủ năng lực đạt doanh thu 3 tỷ USD. Còn hơn chục nhà máy trong cả nước của Vinamilk, trong vòng hơn 30 năm hoạt động quy mô nhỏ và vừa, đến bây giờ cần phải có những nhà máy lớn, công nghệ hiện đại, năng suất lao động cao để đáp ứng được nhu cầu càng ngày càng phát triển ngành sữa.

PV: Bà có so sánh gì về giá sữa của Vinamilk và các nhãn hàng nhập khẩu khác?

Bà Mai Kiều Liên:Hiện nay giá sữa của Vinamilk chỉ bằng 40 hoặc 50% so với giá ngoại. Nhưng tính về sản lượng, Vinamilk hiện đang đứng thứ nhất, nhưng về giá trị, giá tiền thì Vinamilk đang đứng thứ 3, vì sản lượng lớn nhưng giá thấp.

Tâm lý của người tiêu dùng thích sữa nhập khẩu, mình không thể trách được. Vì mấy chục năm trước, mặt hàng sữa bột cho trẻ em hoàn toàn là nhập ngoại cho đến khi sản phẩm sữa bột Dielac của Vinamilk ra đời năm 1988. Khi sản phẩm đầu tiên ra đời, chúng tôi cũng đi xe tải nhỏ để bán, nhưng không bán được lon nào, không ai mua và cũng không ai tin. Hồi đó tư duy kinh tế về marketing và quảng bá chưa có. Như vậy, chỉ có thuyết phục từ từ mới chinh phục được người tiêu dùng bằng chất lượng, giá cả. Bây giờ chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình này.

PV: Hiện nay trên thị trường sữa, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em vẫn là mặt hàng “nóng” nhất. Việc đưa vào hoạt động nhà máy Dielac này có thể làm bình ổn thị trường giá sữa được không, thưa bà?

Bà Mai Kiều Liên: Tôi nghĩ là được, vì chỉ có thể bình ổn được khi tương đối cân bằng về lực lượng. Vì lúc đó sẽ không có doanh nghiệp nào có khả năng nắm được thế khuấy động được thị trường. Khi đáp ứng được sản lượng sẽ góp phần vào việc bình ổn giá. Thực ra, một số nhà máy cũ của chúng tôi đã quá tải, không đủ sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, phải ngưng hết các đơn hàng xuất khẩu để phục vụ cho thị trường nội địa. Mỗi ngày nhìn trên bàn của tôi thấy thiếu 3 tỷ, 5 tỷ, thậm chí là 8 tỷ vì mình không có hàng bán. Nhưng tôi hy vọng bắt đầu từ tháng 4/2013, khi nhà máy Dielac ở Bình Dương đi vào hoạt động ổn định, sản lượng sữa bột cung ứng ra thị trường sẽ bớt căng thẳng và giá sữa bột chắc chắc sẽ bình ổn hơn, vì mấu chốt ở đây vẫn là vấn đề cung - cầu.

PV: Ngoài những yếu tố về giá cả và chất lượng, còn yếu tố nào để Vinamilk thành công như ngày hôm nay? Và phương châm kinh doanh của Vinamilk là gì, thưa bà?

Bà Mai Kiều Liên:Đó chính là yếu tố con người. Tôi nghĩ, thành công hay không tất cả là do con người. Đội ngũ CBCNV của Vinamilk đã gắn bó mấy chục năm, kể cả kỹ sư công nghệ, kỹ thuật hay nhân viên. Phương châm kinh doanh của Vinamilk là “Kinh doanh là phục vụ”

PV: Trong bối cảnh áp lực của nền kinh tế đang đè nặng lên doanh nghiệp, bí quyết của Vinamilk là gì?

Bà Mai Kiều Liên: Cần có một quá trình, không ai ra hôm nay mà thành công ngay. Bí quyết vẫn là phải quản trị được, một doanh nghiệp quản trị có những quy trình quốc tế mà họ áp dụng mấy trăm năm rồi, mình là người đi sau thì phải đi tắt đón đầu, người nào áp dụng khôn ngoan, sáng tạo sẽ thành công.

PV: Là một doanh nghiệp lớn của ngành sữa Việt Nam, bà nghĩ Vinamilk cần phải làm gì để nắm vai trò là đơn vị dẫn dắt giá cả thị trường?

Bà Mai Kiều Liên: Hiện nay, chúng tôi nắm thị phần sữa đặc có đường 75%, sữa chua 90%, sữa tươi gần 50% và sữa bột là 30%. Tôi nghĩ, những con số đó đã chứng minh một điều Vinamilk cũng là doanh nghiệp dẫn dắt trong thị trường sữa. Chúng tôi cũng không cho rằng mình có lợi thế như vậy sẽ đưa giá lên cao một cách bất hợp lý để kinh doanh. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, Vinamilk kinh doanh thành công chủ yếu là nhờ chất lượng và giá cả. Và nhờ chất lượng và giá cả nên năm ngoái Vinamilk đã tiêu thụ 4 tỷ sản phẩm. Năm 2013 chúng tôi đạt doanh thu 34.000 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu đạt 230 triệu USD.

PV: Xin cảm ơn bà!