Tại cuộc họp báo chuyên đề chiều 25/10, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính, cho biết sắp tới, Việt Nam có thể sẽ phải tăng tốc độ trả nợ vay ODA nhanh gấp đôi hiện nay và lãi suất vay cũng sẽ tăng.

Việt Nam sắp “tốt nghiệp” IDA

Cụ thể, theo ông Hải, Ngân hàng Thế giới (WB) sắp họp bàn để đưa một số nước ra khỏi danh sách được hưởng vốn vay ưu đãi và nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải rời nhóm này.

von_oda_lam_ha_tang_meko.jpg
Vốn ODA đã giúp VN có thêm nguồn lực để cải thiện cơ sở hạ tầng (Ảnh minh họa: KT)

Theo ông Hải, việc họp bàn của WB diễn ra hằng năm và trong lần họp sắp tới vào tháng 7/2017, nội dung thảo luận sẽ liên quan tới Việt Nam bởi Việt Nam hiện đã là nước có thu nhập trung bình.

Ông Hải còn cho rằng, nhiều khả năng, Việt Nam sẽ không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Khi “tốt nghiệp” IDA, Việt Nam sẽ phải cam kết trả nợ nhanh, cụ thể phải tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, phía WB cho phép Việt Nam đưa ra các phương án xử lý linh hoạt. Bộ Tài chính đang phối hợp với các chuyên gia WB để xây dựng các kịch bản trả nợ nhanh, đánh giá việc ảnh hưởng tới ngân sách.

Ông Hải cũng thông tin thêm rằng, theo thông lệ quốc tế, nhiều nước vẫn thưc hiện vay mới trả nợ cũ đặc biệt là các nước có thị trường vốn phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, với thực tế quản lý nợ của Việt Nam chưa chuyên nghiệp, việc trả nợ phần lớn vẫn dùng ngân sách Nhà nước. Hiện ngân sách nhà nước đang phải bố trí bình quân khoảng 1 tỷ USD mỗi năm để trả nợ nước ngoài.

Từ 7/2017, có thể Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Từ thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước 2010) đến thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011-2015). Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.

Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.

Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công “Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch”, “Tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại”.

Trước đó, hôm 21/10, tại Hội thảo phổ biến Thông tư 111/2016/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, với tư cách là nhà tài trợ, ông Norio Saito, Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng lưu ý khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, thì các nguồn vốn ODA có mức ưu đãi cao ngày càng giảm xuống. Điều này đặt ra thách thức cao hơn trong công tác quản lý nguồn vốn ODA ở Việt Nam.

Theo ông Norio Saito, “nhằm đảm bảo sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác một cách hiệu quả, đảm bảo hiệu suất để phát triển bền vững cho Việt Nam, Thông tư 111 đã xác định rõ ràng cơ chế tài chính, tăng cường công tác kế hoạch, công tác kiểm soát nội bộ, làm rõ vai trò trách nhiệm giữa các cấp, ngành. Những nội dung sửa đổi tại Thông tư này cũng rất hữu ích, nhằm đảm bảo hiệu quả nguồn vốn vay ODA”./.