Hiện nay, nước ta mới chỉ có khoảng 1.000 thương hiệu được đăng ký ở nước ngoài. Con số này là quá nhỏ so với tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động. Với việc đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, đây là vấn đề mà doanh nghiệp phải khắc phục thời gian tới.

quantridn_errx.jpg

Thực trạng này được các đại biểu đưa ra tại hội thảo “xây dựng, phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế xu hướng và giải pháp”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng nay, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu nêu thực tế: nhiều doanh nghiệp nước ta đang mắc phải những lỗi như: mặc nhiên coi tên thương mại là nhãn hiệu; chưa quan tâm đến việc đăng kí thương hiệu, nhãn hiệu trước.

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh đất nước càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, giải pháp để doanh nghiệp phát triển và bảo hộ thương hiệu trong quá trình thương mại quốc tế là cần thiết phải đăng ký bảo hộ và quảng cáo cho nhãn hiệu. Đồng thời, tận dụng các nguyên tắc ưu tiên, nguyên tắc bảo hộ độc lập của Công ước Paris...

Trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký chứng nhận nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ thì có thể sử dụng Nghị định thư liên quan Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa để bảo vệ quyền lợi và thương hiệu của mình.

Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “trong xu thế toàn cầu, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng quan trọng, do đó doanh nghiệp nước ta cần phải có chiến lược rõ ràng khi đưa các sản phẩm mình vươn ra thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải có chiến lược của mình ở nước ngoài, đặc biệt là các thị trường có khả năng xuất khẩu. Cần có một chiến lược huy động nguồn lực xã hội để đầu tư toàn diện về mọi mặt nâng cao tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng theo thông lệ quốc tế, và cần thiết đầu tư phát triển nguồn nhân lực"./.