Ngày 28/3, một đoàn gồm 20 doanh nghiệp dệt may Đan Mạch đến Việt Nam nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và thúc đẩy hợp tác thương mại trong ngành dệt may của 2 nước.

Bên lề hội thảo “Hợp tác Việt Nam – Đan Mạch trong ngành dệt may” diễn ra sáng 28/3, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Nielsen trả lời phỏng vấn phóng viên VOV về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.

** Phóng viên: Xin ông cho biết những cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực dệt may?

Đại sứ Đan Mạch John Nielsen: Theo tôi, tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch trong ngành dệt may rất lớn. Hiện nay, có khoảng 12 công ty của Đan Mạch đang có mặt và đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Đại diện của 20 công ty dệt may hàng đầu Đan Mạch đang có mặt tại Việt Nam là những đối tác rất tiềm năng. Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác lớn so với các nước khác trong khu vực. Đó là thị trường lao động dồi dào, trẻ, nhân công thấp…, đây là lợi thế lớn. Trên thực tế, các công ty của Đan Mạch có thể mang đến thị trường Việt Nam công nghệ mới, bí quyết công nghệ, hỗ trợ hoạt động đào tạo và cung cấp máy móc.

** PV: Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào những lĩnh vực nào để thúc đẩy hợp tác trong ngành dệt may?

Đại sứ Đan Mạch John Nielsen:Tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào đầu tư công nghệ bởi các doanh nghiệp của Đan Mạch rất mạnh về lĩnh vực này.

Chúng tôi có các công nghệ hàng đầu thế giới trong ngành dệt may và có thể giúp các bạn đẩy mạnh những thương hiệu của mình thông qua giới thiệu những thương hiệu mới và thúc đẩy những thương hiệu nội địa tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, chúng tôi cũng có nhiều công ty có thể giúp Việt Nam đẩy mạnh việc thực hiện các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nâng cao điều kiện làm việc cho công nhân như đảm bảo điều kiện an toàn lao động, sức khỏe, điều kiện sống của công nhân được tốt hơn.

Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung tạo ra các mối quan hệ đối tác với những doanh nghiệp của Đan Mạch có công nghệ và bí quyết kinh doanh tốt, có thể giúp đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam. Đó là những đối tác tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam nên hướng tới.

Những doanh nghiệp Đan Mạch có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh của mình để có thể có những sản phẩm chất lượng tốt hơn.

** PV: Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào Đan Mạch cần phải chú ý những vấn đề gì, thưa ông?

Đại sứ Đan Mạch John Nielsen:Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Đan Mạch cần chú ý đến 3 vấn đề: mức thuế xuất khẩu 10%; Chất lượng hàng hóa và mẫu mã sản phẩm bởi trên thực tế thị trường Đan Mạch có những công ty dệt may dẫn đầu thế giới với những hàng hóa chất lượng tốt, mẫu mã phong phú. Hơn nữa, người tiêu dùng của Đan Mạch đã quen với hàng hóa chất lượng cao và kiểu dáng đẹp, do đó nếu muốn xuất khẩu sang Đan Mạch, Việt Nam cần chú ý đến chất lượng và kiểu dáng.

Thứ 3, cần chú ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ tay nghề cao, nắm bắt xu thế của thị trường thế giới. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng hợp tác trong lĩnh vực dệt may giữa Việt Nam và Đan Mạch trong tương lai./.